Tại buổi làm việc sáng 20/3, Thứ trưởng Thường trực Bộ TN&MT Nguyễn Văn Đức và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nghiêm Vũ Khải đã khẳng định mong muốn cũng như khả năng hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai cơ quan. Cuối tháng 3 này, hai bên sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm cụ thể hóa lộ trình phối hợp công việc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt về quản lý biển hải đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý quản lý biển, hải đảo thống nhất, tổng hợp
Đó là mong muốn của cả Bộ TN&MT và Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội. Diện tích biển, đảo nước ta khá lớn song hệ thống văn bản rất phân tán và rải rác. Đầu tháng 3/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2009/NĐ-CP là cơ sở pháp lý ban đầu cho việc quản lý tổng hợp và thống nhất biển, đảo. Lộ trình sắp tới là sẽ xây dựng Luật TN&MT biển vào đầu năm 2011.
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Văn Cư cho rằng quản lý đảo là vấn đề quan trọng cần được sớm luật hóa. “Nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ song đến nay vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng về mục đích sử dụng. Môi trường ở nhiều đảo hiện ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi thế chúng tôi mong muốn phối hợp với Ủy ban để xây dựng các văn bản pháp luật chuyên sâu về quản lý đảo”, ông Cư nói.
Đối với vấn đề bảo vệ môi trường biển, Phó Chủ nhiệm Nghiêm Vũ Khải cho rằng, ý thức người dân hiện còn hạn chế. Ủy ban sẵn sàng phối hợp với Bộ TN&MT tham gia chương trình tuyên truyền thực hiện Chiến lược Biển, như tổ chức hội thảo, xây dựng tài liệu, sách tuyên truyền..
Biến đổi khí hậu: Khẩn trương xây dựng chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức
“Để tiến tới việc Quốc hội đưa ra một văn bản pháp lý về ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề này cần được tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới mọi cộng đồng dân cư, đồng thời thí điểm ứng phó ở một số lĩnh vực, một số địa phương”, Phó Chủ nhiệm Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh. Phó Chủ nhiệm cho biết, ngay trong năm 2009 này, hai bên có thể phối hợp để xây dựng một cuốn sổ tay tuyên truyền phát rộng rãi xuống cộng động dân cư, trước hết là HĐND các cấp.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh: Để Luật, các chính sách đi vào cuộc sống, tạo nên sức mạnh cần sự đồng thuận của toàn dân mà trước hết là các đại biểu dân cử ở HĐND các cấp. “Các đại biểu dân cử là những người tuyên truyền tích cực và có sức thuyết phục người dân”, Thứ trưởng nói.
Trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức cho rằng nhu cầu đòi hỏi của xã hội ngày một cao, bởi thế việc xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật làm hành lang pháp lý cho hoạt động này rất cần thiết. Bộ TN&MT đang khởi động xây dựng Luật Khí tượng Thủy văn và dự kiến trình Quốc hội vào đầu năm 2011. Trong quá trình soạn thảo, Bộ TN&MT mong muốn mời các chuyên gia pháp luật tham gia góp ý từ xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho phù hợp và hài hòa với hệ thống pháp luật hiện có.
Hai bên cũng nhất trí sẽ làm việc để Bộ TN&MT có thể trình bày trước Quốc hội về các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường năng lực dự báo khí tượng thủy văn trong tháng 4 tới.
Nhật Tân
Ảnh: Đức Giang