Chùa Tà Lài, xã Tân Mỹ là một trong những điểm di tích tâm linh tiêu biểu của huyện Văn Lãng, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Thời gian qua, nhằm bảo tồn, phát huy vốn di sản truyền thống tiền nhân để lại, chính quyền và Nhân dân xã Tân Mỹ đã và đang có nhiều việc làm thiết thực.
Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, chùa Tà Lài (tên chữ là “Thanh Hương tự) do một nữ đô đốc thuộc dòng họ Nguyễn Đình hưng công xây dựng từ thế kỷ XVIII chùa (thờ Phật) khi bà theo quận công Nguyễn Đình Lộc lên trấn ải Lạng Sơn. Chùa gồm có cung Tiền Đường ở phía ngoài, cung Tam Bảo ở trong hang núi với lối thờ “tiền Thánh, hậu Phật”. Chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu tôn tạo vào các năm 1934, 1958, 1998… với quy mô lớn, hệ thống cung thờ và tượng thờ được bổ sung phong phú hơn (cung Mẫu, cung Sơn Trang, các tượng Mẫu…).
Thành viên Ban Quản lý chùa Tà Lài quét dọn ban thờ trên cung Tam Bảo
Trải qua những thăng trầm và biến cố của lịch sử, chùa Tà Lài vẫn luôn tồn tại cùng với thời gian và trở thành điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được một số đồ thờ tự, tượng thờ giá trị, trong đó, tiêu biểu có một bia đá được khắc vào năm Bảo Đại thứ 16 (1941). Năm 2002, chùa được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Lễ hội truyền thống của chùa diễn ra vào ngày 8 tháng Giêng hằng năm với nhiều nghi lễ, trò chơi đặc sắc.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong hành trình tìm hiểu di sản văn hóa ở Văn Lãng, chúng tôi có dịp dừng chân tham quan, chiêm bái tại chùa Tà Lài thuộc địa phận thôn Tà Lài, xã Tân Mỹ. Mỗi lần trở lại, chúng tôi lại thấy ngôi chùa khang trang, sạch đẹp hơn, toát lên sự thanh tịnh nơi cõi Phật. Ông Nguyễn Đình An, Trưởng Ban Quản lý chùa cho biết: Đây là di tích gắn liền với dòng họ Nguyễn Đình chúng tôi, có ý nghĩa to lớn mà tổ tiên để lại. Do vậy, hằng ngày đều đặn, ban cử 5 người lên đây quét dọn, thắp hương, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài chùa, đảm bảo sự tôn nghiêm của di tích.
Là đơn vị trực tiếp quản lý di tích Chùa Tà Lài, những năm qua, UBND xã Tân Mỹ có nhiều giải pháp tích cực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Cụ thể như: từ năm 2019 đến năm 2021, UBND xã đã cùng với Ban Quản lý chùa tu bổ, sơn sửa lại một số hạng mục như: hệ thống cửa, cầu thang, tường cung Mẫu, cung Sơn Trang; tiếp nhận 30 pho tượng Phật cung tiến, sửa mái tại cung Tam Bảo; quét sơn, ốp lát đá lầu thờ cô, thờ cậu… với tổng kinh phí xã hội hóa hơn 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, năm 2020, UBND xã đã ban hành quyết định kiện toàn Ban Quản lý di tích xã, trong đó bao gồm quản lý Chùa Tà Lài, gồm 7 thành viên, trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Đồng thời, UBND xã chỉ đạo công chức văn hóa – thông tin xã tăng cường tuyên truyền giá trị của chùa qua hệ thống loa truyền thanh, qua dịp lễ hội hằng năm…; chỉ đạo các thôn tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị di tích, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản này.
Ông Nguyễn Đình Tiền, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Quản lý di tích xã Tân Mỹ cho biết: Chùa Tà Lài là di tích tiêu biểu, đóng góp to lớn vào phát triển du lịch của xã, hằng năm, đón hơn 6.000 lượt khách tham quan, chiêm bái, thu hơn 150 triệu đồng tiền công đức/năm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích với nhiều hình thức sinh động hơn. Cùng đó, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa đóng góp vào việc tôn tạo, sửa chữa các hạng mục của chùa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân.
Với những giá trị mang lại, Chùa Tà Lài thực sự đã trở thành một địa chỉ tâm linh tín ngưỡng quan trọng của người dân xã Tân Mỹ nói riêng và ở trong, ngoài tỉnh nói chung. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này là một việc làm quan trọng, ý nghĩa góp phần lan tỏa giá trị truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Đức Tâm