Trong bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh là một gam mầu xanh mát của ruộng lúa, vườn cây, của sông nước kênh, rạch ngập tràn nhựa sống. Trà Vinh “rất duyên”, cái duyên được hình thành từ dòng chảy văn hóa cộng cư của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa... đầy sáng tạo, kiên trung, mến khách và giàu tình nghĩa.
Du khách tham gia biểu diễn nhạc cụ dân gian tại “Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Trần Minh Thanh, từ việc xác định thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa, tỉnh đang tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa; tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch xanh, nói không với bê-tông hóa.
Trải nghiệm làng văn hóa Khmer Nam Bộ
Theo ông Trần Minh Thanh, cả tỉnh Trà Vinh có khoảng 330 nghìn người Khmer, chiếm hơn 31% dân số, với 143 chùa Khmer có kiến trúc khá độc đáo. Kho tàng di sản văn hóa của đồng bào Khmer nơi đây vô cùng phong phú, với hệ thống ngôn ngữ và chữ viết cùng các di sản nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phát huy thế mạnh ấy, tỉnh đã triển khai xây dựng dự án “Làng văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh” tại phường 8, thành phố Trà Vinh. Đến nơi đây, chúng tôi và không ít khách du lịch được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Khmer qua các địa điểm tham quan trong vùng như danh thắng ao Bà Om, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer và chùa Âng, một công trình kiến trúc phật giáo hơn nghìn năm tuổi cùng nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng, biểu diễn nghệ thuật dân tộc.
Ao Bà Om có diện tích 18 ha, trong đó mặt ao là 42.040 m2. Đây là di tích cấp quốc gia thuộc loại hình danh lam thắng cảnh. Danh thắng ao Bà Om hình thành do quá trình tự nhiên kết hợp với bàn tay lao động của con người. Bao quanh ao là những động cát nhấp nhô với hơn 500 cây dầu, cây sao. Trong đó, có nhiều cây cổ thụ với bộ rễ trồi lên mặt đất, tạo nên hình thù kỳ lạ, đây là nét độc đáo riêng, hiếm nơi nào có được. Đến với ao Bà Om, du khách sẽ được hít thở không khí trong lành và đắm mình trong một không gian xanh thanh bình, yên tĩnh.
Vào các ngày 14, 15 tháng 10 âm lịch hằng năm, tại khuôn viên danh thắng ao Bà Om diễn ra lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer. Hoạt động lễ hội thu hút hàng chục nghìn người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, ngắm cảnh, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống, xem triển lãm và cúng trăng. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Trong khi đó, chùa Âng là một ngôi chùa lâu đời nhất của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Có lịch sử hình thành từ năm 990, chùa Âng đã trải qua nhiều đợt trùng tu, vẫn uy nghi tồn tại trước tác động của nắng, gió và thời gian. Với các giá trị độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc đậm đà bản sắc văn hóa Khmer, có sự giao lưu văn hóa Việt, Hoa, Ấn Độ..., chùa Âng là niềm tự hào chung của cộng đồng các dân tộc tỉnh Trà Vinh.
Du khách nước ngoài tìm hiểu nhạc cụ dân gian tại “Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh”.
Ông Thạch Sang ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành phấn khởi cho biết: “Năm 2019, gia đình tôi tham gia vào dự án khởi nghiệp của Làng văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh. Công việc của tôi rất đơn giản, đó là tôi trực tiếp tái hiện cảnh giã cốm dẹp, một món ăn truyền thống của người Khmer. Tôi rất vui mừng, bởi bây giờ có đông khách đến đây tham quan du lịch, giúp gia đình có đời sống kinh tế ổn định hơn. Với công việc của mình, tôi rất vui và tự hào bởi đã được góp phần giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer đến với mọi người”.
Tiến sĩ Nguyễn Đệ, Trường đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin về dự án “Làng văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh”. Được biết, thời gian qua, nhất là trước thời kỳ dịch Covid-19, du lịch Trà Vinh đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách/năm qua các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng riêng từ dự án nêu trên. Đây cũng là cơ sở để bảo tồn, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa Khmer tốt đẹp, đa dạng bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Du lịch cộng đồng ở Cồn Chim
Một trong những điểm đến mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến Trà Vinh là Cồn Chim. Tách biệt với sự ồn ào nơi phố thị, cù lao Cồn Chim nổi bật giữa dòng sông Cổ Chiên; cách trung tâm thành phố Trà Vinh 10 km về hướng đông bắc theo tuyến đường sông và khoảng 15 km theo tuyến quốc lộ 53 hướng Trà Vinh đi thị xã Duyên Hải. Mô hình du lịch cộng đồng ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành lâu nay đã nổi tiếng khi mang đến những trải nghiệm sông nước, miệt vườn đầy hấp dẫn cho du khách gần xa với khẩu hiệu “Về Cồn Chim-người quê chỉ có tấm lòng”.
Chiếc phà chở chúng tôi vừa cập bến, đông đảo những người dân Cồn Chim cầm nón lá vẫy chào, nở nụ cười tươi và rất thân thiện với khách. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận là sự gần gũi, chân tình, thấy như mình đang trở về quê hương. Sau khi tranh thủ chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm xong tại cổng ấp Cồn Chim, chúng tôi đạp xe trên con đường nhỏ dọc cù lao giữa các sắc hoa nở rực và phía xa là các vườn cây xum xuê, các ao tôm, vựa cua cùng cánh đồng đang thì mạ non xanh rờn. Thỉnh thoảng xuất hiện hai bên đường là những căn nhà lá đơn sơ, hàng lu khạp da bò, giàn chén cạnh bờ ao, hay chiếc xuồng ba lá buộc tạm dưới gốc dừa đang xỏa bóng mát... Đó là sự mộc mạc, yên bình đến lạ của một miền quê Nam Bộ cứ ngỡ như đã lùi sâu trong dĩ vãng.
Chúng tôi và các du khách trong đoàn dừng chân tại vườn dừa Bé Thảo, chị Trần Thị Thu Hạnh chủ vườn tự tay chặt và mời uống dừa trái bằng ống hút cỏ, nước dừa tươi mát, ngọt ngào như tình cảm của bà con xứ cù lao đối với khách. Nhà chị Phạm Thị Sữa kế bên còn bố trí không gian giới thiệu quy trình làm và chế biến các món ăn, bánh kẹo đặc sản xứ cù lao. Khách có thể tham gia xay bột bằng cối đá, nắn bột làm bánh lá mơ, hấp chín, rồi bóc bánh thưởng thức vị bánh dân dã thơm ngon với nước cốt dừa. Trong thời gian tham quan, khách du lịch được tham gia vào các trò chơi dân gian như chơi u, nhảy dây, chọi lon..., gợi lại ký ức tuổi thơ, trong đó có những cuộc “đua cua” có thưởng đầy hào hứng.
Được sự hỗ trợ của ngành du lịch, nhiều hộ gia đình ở ấp Cồn Chim đã mở dịch vụ phục vụ du khách những món ăn dân gian như bánh canh tôm, bánh xèo, tôm hấp, cua luộc, gỏi hoa bần. Chúng tôi đã trầm trồ tán thưởng, xuýt xoa khi được thưởng thức bữa cơm gia đình đậm chất Nam Bộ ở hộ gia đình chị Nguyễn Thị Huyền. Bữa cơm cũng chẳng phải cầu kỳ gì, nguyên liệu chính từ “cây nhà, lá vườn” bảo đảm xanh, sạch với rau luộc với kho quẹt, canh chua cá bông lau, nhất là món gỏi hoa bần độc đáo. Cây bần là loài cây đặc trưng của xứ sở vùng kênh nước đồng bằng Nam Bộ, mọc tự nhiên ở mé sông, cho hoa trái quanh năm với mùi vị thanh mát, chua đằm và chát nhẹ, khiến người ăn nhớ mãi.
Một tín hiệu vui đó là, từ tháng 9/2019 đến nay, trừ quãng thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, điểm du lịch cộng đồng ấp Cồn Chim đã thu hút gần 20.000 lượt khách tham quan. Chị Phạm Thị Sữa cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sống dựa vào nghề nông. Khi được hướng dẫn rồi chuyển sang làm du lịch cộng đồng, chúng tôi rất phấn khởi vì vừa có công ăn việc làm, tăng thu nhập, vừa góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương”.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, thời gian tới, để góp phần phát triển kinh tế du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân, các cấp chính quyền và ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến, quảng bá, kết nối các loại hình, hoạt động du lịch trong nước và ngoài nước. Năm 2022, khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19, thực hiện khôi phục hoạt động du lịch, thích ứng linh hoạt trong trạng thái bình thường mới, tỉnh Trà Vinh phấn đấu đón 550.000 lượt khách du lịch, trong đó có 10.000 lượt khách quốc tế và tăng 22% so với năm 2021. Đồng thời, phối hợp hướng dẫn cộng đồng, doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ du lịch thực hành sản xuất sạch, thân thiện với môi trường... ghi dấu Trà Vinh là một điểm đến trong lành, đặc sắc đối với du khách gần xa.
Bài và ảnh: Minh Khởi