Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN - KB) thuộc tỉnh Quảng Bình, nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn, là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) 2 lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với các tiêu chí: Địa chất - địa mạo, hệ sinh thái (HST) và đa dạng sinh học (ĐDSH).
Với mục tiêu tổng thể nhằm quản lý và bảo tồn bền vững các giá trị địa chất - địa mạo, BVMT di sản thiên nhiên, đồng thời bảo tồn HST và động, thực vật bị đe dọa toàn cầu của khu di sản; phát triển du lịch sinh thái bền vững dựa vào các giá trị nổi bật toàn cầu, góp phần nâng cao các lợi ích kinh tế, mang đến sự thịnh vượng cho cộng đồng địa phương cũng như cho tỉnh Quảng Bình, Ban quản lý (BQL) VQG PN - KB đã triển khai các chương trình bảo tồn giá trị di sản, ĐDSH trên tất cả các mặt và đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận.
Những giá trị nổi bật về ĐDSH của VQG PN - KB
PN - KB có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,57 % diện tích, trong đó 83,74 % diện tích VQG là HST rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại, hầu hết chưa bị tác động. Đây là một trong những VQG có độ che phủ và tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn nhất trong hệ thống các rừng đặc dụng ở Việt Nam.
PN - KB ghi nhận sự có mặt của 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Trong đó có 116 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 82 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 39 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ; 66 loài trong các phụ lục CITES. Sự đa dạng về hệ động vật ở VQG PN - KB bao gồm cả nhóm động vật có xương sống (thể hiện ở đa dạng nhóm thú, nhóm chim, nhóm lưỡng cư - bò sát, nhóm cá) và cả nhóm động vật không xương sống (chân khớp, giun dẹp, thân mềm). Sự đa dạng về sinh cảnh núi đá vôi, hang động, núi đất… là điều kiện lý tưởng về sinh cảnh của 10 loài linh trưởng, chiếm 42% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam, trong đó có một số loài quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, voọc chà vá chân nâu, vượn đen má trắng, sao la, mang...
Về hệ thực vật, PN - KB ghi nhận sự có mặt của 2.953 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, trong đó có 111 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 3 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP. Sự đa dạng về hệ thực vật ở VQG PN - KB bao gồm cả thành phần loài, nguồn gen và tài nguyên thực vật.
Cùng với đó, trong khoảng 20 năm qua, 43 loài mới cho khoa học đã lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, trong đó có 38 loài động vật (2 loài chim, 3 loài ếch nhái, 18 loài bò sát, 6 loài nhện, 9 loài cá) và 5 loài thực vật. Đặc biệt, năm 2012, các nhà khoa học ghi nhận mẫu chuột đá Trường Sơn (Laonastes aenigmamus) thuộc giống Laonestes tại khu vực mở rộng của VQG PN - KB, đây là một đại diện sống duy nhất của họ thú cổ (Diatomyidae), được xem là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Bên cạnh đó, việc phát hiện quần thể Bách xanh đá (Calocedrus rupestris Averyanov) 500 tuổi, diện tích khoảng 4.000 ha, mọc ưu thế trên núi đá vôi ở độ cao trên 600 m được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn, đây là một loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam, hiện chỉ còn sót lại chủ yếu ở VQG PN - KB.
Các hoạt động quản lý, bảo tồn ĐDSH tại VQG PN - KB
Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật và nhận thức: Xác định đây là biện pháp quan trọng, mang tính bền vững trong các giải pháp bảo tồn ĐDSH, BQL Vườn đã tích cực chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động như: Lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn/bản; duy trì hoạt động các câu lạc bộ bảo tồn ở cơ sở; lắp đặt pano quảng bá, phát tài liệu, ấn phẩm truyền thông; tổ chức hoạt động ngoại khóa tại trường học vùng đệm; tập huấn kỹ năng truyền thông bảo tồn ĐDSH cho cộng tác viên các xã và giáo viên các trường trung học vùng đệm; tổ chức hội nghị các cấp tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD)... Đến nay, BQL Vườn đã thực hiện hơn 1.194 đợt tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật tới 604 lượt thôn/bản trên địa bàn các xã, thị trấn vùng đệm, với sự tham gia của 9.262 người dân; tổ chức 25 đợt diễn giải môi trường cho gần 700 học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên các xã vùng đệm; vận động giao nộp 124 khẩu súng, 23 cá thể động vật rừng… Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhận thức, thái độ của người dân vùng đệm đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm về bảo vệ rừng của người dân ngày được nâng cao, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng của VQG. Đặc biệt, thực hiện Luật BVMT năm 2020, BQL Vườn đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan và các đơn vị khai thác du lịch nắm rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BVMT di sản thiên nhiên. BQL Vườn cũng đã yêu cầu các đơn vị khai thác du lịch thực hiện đánh giá tác động môi trường và quan trắc môi trường theo đúng quy định; xây dựng kế hoạch thu gom, xử lý rác thải tại các tuyến điểm du lịch. Bên cạnh đó, BQL Vườn thường xuyên lồng ghép các yêu cầu, mục tiêu BVMT di sản, bảo tồn ĐDSH và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên vào các kế hoạch, quy hoạch, các dự án/đề án tại VQG.
Tuần tra, xử lý vi phạm: Việc phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại đến ĐDSH đã được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, nhờ đó ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên và giảm thiểu tối đa các mối đe doạ khác đến ĐDSH của VQG. Số lượng vụ vi phạm về khai thác gỗ, săn bắt ĐVHD giảm đáng kể qua các năm; giá trị ĐDSH được giữ vững; ít có tác động xấu đến môi trường sống của các loài sinh vật. Đến nay đã thực hiện 42.400 đợt tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng và giám sát ĐDSH trên địa bàn; phát hiện, tháo dỡ 40.300 sợi dây bẫy; phá hủy 570 lán trại trái phép trong lâm phận VQG; đẩy đuổi 4.200 lượt người xâm nhập trái phép vào rừng; phát hiện, ra quyết định xử lý 2.579 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; ra quyết định khởi tố 16 vụ án hình sự và chuyển hồ sơ 8 vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý; chuyển 7 vụ vi phạm hành chính cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán lâm sản tịch thu là 5.922.789.500 đồng.
Xét xử các vụ án hình sự về hành vi xâm hại tài nguyên rừng VQG PN - KB. (Ảnh: VQG PN - KB)
Công tác bảo tồn, phối hợp trong bảo tồn ĐDSH: Nhiều công trình nghiên cứu về ĐDSH được triển khai, thực hiện, là tiền đề để đưa ra các giải pháp phục vụ công tác bảo tồn, phát triển HST. Đến nay, BQL Vườn đã chủ trì, tham gia thực hiện 10 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh và cấp Bộ; phối hợp tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước; thực hiện 3 nghiên cứu cấp cơ sở; đạt 2 giải sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình; 8 giải thưởng chuyên ngành; chủ trì, phối hợp xuất bản 5 ấn phẩm sách; gần 50 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế; 12 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo khoa học. Trong đó có nhiều ứng dụng như giám sát diễn biến rừng qua hệ thống GIS và RS, ứng dụng phần mềm SMART trong tuần tra giám sát ĐDSH, thực hiện giám sát các loài thú bằng bẫy ảnh, quản lý nền tảng dữ liệu trên các phần mềm chuyên dụng, ứng dụng giải pháp phòng ngừa diệt trừ các loài xâm hại.
Cùng với đó, VQG đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR, vận chuyển lâm sản trái phép và đấu tranh phòng chống buôn lậu qua biên giới khu vực VQG với 6 đồn biên phòng (Cà Xèng, Cà Roàng, Cồn Roàng, Làng Mai, Ra Mô và cửa khẩu quốc tế Cha Lo); 2 Công ty lâm nghiệp có lâm phần tiếp giáp; 3 hạt kiểm lâm và ký kết Chương trình hành động với 7/13 xã vùng đệm có diện tích nằm trong ranh giới VQG; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát giải quyết các vụ việc có dấu hiệu hình sự liên quan đến vận chuyển ĐVHD, khai thác rừng trái phép...
Cán bộ BQL VQG PN - KB chăm sóc cá thể voọc chà vá chân nâu (Ảnh: VQG PN - KB)
Cứu hộ ĐVHD: Công tác cứu hộ ĐVHD được thực hiện tốt. Đến nay, đã tiếp nhận và cứu hộ 1.378 cá thể ĐVHD (trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm như tê tê, vượn siki, voọc Hà Tĩnh, chà vá chân nâu, cu li nhỏ, khỉ cộc, khỉ vàng, cầy vòi hương, rùa, trăn…); tỷ lệ cứu hộ thành công đạt 83%; thả về môi trường tự nhiên 1.082 cá thể (đạt 78,5%). Phối hợp với Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội thả 42 cá thể ĐVHD thuộc 6 loài về môi trường tự nhiên tại VQG. Ngoài ra, tiếp nhận 1.575 kg phong lan thuộc 25 loài để tiến hành cứu hộ, chăm sóc và thả vào môi trường tự nhiên tại Vườn thực vật, tỷ lệ cứu hộ thành công đối với phong lan đạt gần 90%; thu thập, bổ sung, chỉnh lý 181 mẫu thuộc 169 loài thực vật làm mẫu tiêu bản thực vật, phục vụ cho công tác trưng bày, diễn giải tại Vườn thực vật. Để công tác bảo tồn ĐDSH, chăm sóc, cứu hộ động thực vật hoang dã đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và điều kiện thực tại, BQL Vườn đã xây dựng, đưa vào hoạt động 5 cơ sở bao gồm: Vườn thực vật: 41,83 ha; Khu cứu hộ: 0,05 ha; Khu cứu hộ ĐVHD mới: 7 ha; Khu nuôi thả bán hoang dã Núi Đôi: 20,272 ha; Rừng giống Re gừng: 39 ha.
Một số khó khăn, trở ngại và đề xuất giải pháp
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn ĐDSH tại VQG PN - KB còn gặp không ít khó khăn, trở ngại: Đói nghèo, lạc hậu và tập quán sinh sống của một bộ phận người dân vùng đệm đã ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH; tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ, bẫy bắt ĐVHD vẫn còn xảy ra; một số cán bộ thiếu chủ động trong thực thi pháp luật; số lượng cán bộ kiểm lâm của VQG còn thiếu so với yêu cầu của công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, VQG có diện tích rộng, địa hình phức tạp nên công tác công tác tuần tra, bảo vệ rừng vẫn còn sót địa bàn. Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn vẫn chưa được duy trì một cách thường xuyên và đa dạng nên chưa tạo được sự lôi cuốn mạnh mẽ đến người dân. Tình trạng bảo tồn của đa số các loài động thực vật rừng vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, thiếu các dữ liệu khoa học về trữ lượng, số lượng cá thể, quần thể, nhất là đối với các loài nguy cấp, quý hiếm. Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ rừng, nghiên cứu, bảo tồn ĐDSH chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của VQG. Công tác phối hợp giữa BQL Vườn với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Kinh phí và nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học, cứu hộ động vật hoang dã, bảo tồn ĐDSH còn hạn chế. Mặt khác, biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, khô hạn đã ảnh hưởng đến HST rừng và điều kiện sinh tồn của các loài hoang dã, tạo điều kiện cho các loài ngoại lai xâm hại phát triển mạnh, xâm lấn phá vỡ cấu trúc rừng tự nhiên và mất rừng.
Để phát huy tốt vai trò của công tác bảo tồn ĐDSH trong thời gian tới, cần:
Tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn các giá trị của thiên nhiên và ĐDSH của VQG PN - KB; thực hiện các giải pháp về BVMT di sản thiên nhiên theo quy định của Luật BVMT và các quy định có liên quan khác; tập trung ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ (Phong lan, giáng hương, giổi lấy hạt...);
Tổ chức thực hiện các đợt truy quét dài ngày, đi sâu vào những vùng xung yếu, trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý đối tượng vào rừng trái phép;
Tăng cường theo dõi đối tượng săn bắn, bẫy bắt chuyên nghiệp, sử dụng vũ khí để có phương án tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi hệ thống SMART và bẫy ảnh trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát ĐDSH…
Tăng cường các hoạt động điều tra, giám sát ĐDSH, các loài động, thực vật quý hiếm tại VQG để làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn. Đồng thời, nhân giống phục hồi các loài cây quý hiếm như phong lan, huê, giổi xanh, giổi ăn hạt... phục vụ bảo tồn và chuyển giao mô hình cho cộng đồng dân cư các xã vùng đệm;
Thúc đẩy hợp tác liên biên giới và xây dựng khu di sản liên biên giới với KBT Hin - Nậm - Nô, Lào;
Xuất bản ấn phẩm sách về tài nguyên thiên nhiên VQG PN - KB nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh di sản thế giới và làm tư liệu cho công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn di sản...
Phạm Hồng Thái, Võ Văn Trí, Lê Thị Phương Lan
Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng