Hát trống quân phổ biến tại nhiều làng Bắc Bộ nhưng nhiều nơi mang nét riêng. Như làng Phúc Lâm (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là hát trống quân cửa đình với những màn đối đáp thông minh, dí dỏm... Di sản này tưởng chừng bị quên lãng hàng nửa thế kỷ, nhưng đã trở lại nhờ tâm huyết của nghệ nhân và sự góp sức của chính quyền.
Một buổi tập luyện của câu lạc bộ.
Nét riêng vùng chiêm trũng
Làng cổ Phúc Lâm nằm gần sông Lương, sông Nhuệ, có nhiều ao chuôm. Xưa người dân thường hát đối với nhau để xua tan nhọc nhằn. Theo bà Kiều Thị Mách, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát trống quân thôn Phúc Lâm, thời bà nội bà Mách còn sống, phong trào hát trống quân ở Phúc Lâm đã rất sôi nổi. Làng có ba xóm thì xóm nào cũng có đội hát. Không cứ ngày lễ, hội hay việc làng mà cứ đêm trăng thanh gió mát là trai gái lại hát giao duyên, hát đố rất sôi nổi.
Nghệ nhân Ưu tú Kiều Thị Chải (90 tuổi) cho biết: Điểm độc đáo của trống quân Phúc Lâm là không theo lối hát đuổi, trong lời hát luôn có chữ “thời” và ăn vào nhịp trống rất êm. Người Phúc Lâm biết hát cả trống quân cửa đình và trống quân giao duyên, không như nhiều nơi chỉ có một loại hình. Có nơi hát trống quân dong thuyền hoặc trên triền đê, còn ở Phúc Lâm trước kia thường hát ở các bãi đất rộng ngoài đồng, dưới các bóng cây hoặc thậm chí các tốp cấy hay vụ cắt lúa đứng gần nhau là có thể hát. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên từ hát trống quân.
Hát trống quân Phúc Lâm từng trải nhiều thăng trầm và có những lúc tưởng chừng như đã mất hẳn. Song nhờ quyết tâm của một số người con say mê làn điệu quê hương, di sản này đã sống lại phần nào.
Thăng trầm cùng thời cuộc
Bà Chải cho biết, trước kia, đến ngày hội làng (10/3 âm lịch), giỗ Mẫu (ngày 9/8 âm lịch) và Tết Nguyên đán, làng vẫn tổ chức thi hát trống quân ở sân đình. Sau năm 1945, do ảnh hưởng của chiến tranh, hát trống quân dần đi vào quên lãng. Khi hòa bình lập lại năm 1975, hát trống quân mới được nhắc đến như một phần ở các ngày lễ của làng. Tuy nhiên, thời điểm đó những người thành thạo hát trống quân đều ở tuổi rất cao, sức khỏe yếu nên cũng khó để khôi phục.
Nhưng không thể vì khó mà thôi. Bà Chải cùng với bà Chăn, ông Chén, các chị Mách, chị Tá, chị Thoan... đã đến nhà từng cụ cao niên để nghe kể về những kỹ thuật, đặc trưng của hát trống quân Phúc Lâm, sưu tập lời cổ và chép thành tài liệu phục vụ tập luyện. Đến năm 1997, huyện Phú Xuyên tổ chức Liên hoan dân ca, thôn Phúc Lâm đăng ký tham gia và giành giải cao, đánh dấu sự trở lại của hát trống quân Phúc Lâm trước công chúng trong huyện Phú Xuyên.
Suốt những năm sau đó, đội hát trống quân Phúc Lâm không ngừng tăng số thành viên, số lần biểu diễn và càng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Năm 2014, GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã về Phúc Lâm nghiên cứu về hát trống quân và nhận định đây là một di sản văn hóa phi vật thể rất có giá trị và cần được bảo tồn khẩn cấp. Cùng năm, NSND Thúy Ngần cũng đã về Phúc Lâm ba ngày để cùng với anh chị em trong câu lạc bộ sưu tầm, biên soạn và dàn dựng một số tiết mục hát trống quân, hát chèo, tạo nền tảng để hát trống quân Phúc Lâm tham gia các hội thi chuyên nghiệp cấp thành phố. Và năm 2016, khi UBND, xã Phúc Tiến ra quyết định thành lập Câu lạc bộ hát trống quân Phúc Lâm với 18 thành viên, các “nghệ sĩ nông dân” chính thức có chỗ để sinh hoạt, tập luyện, hát trống quân có thêm nhiều đất diễn.
Bà Kiều Thị Mách nhớ lại, những năm đầu thành lập, câu lạc bộ còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí tổ chức, tôi thường bỏ tiền nhà ra để mua trang phục, thuê loa đài... và trực tiếp chế tạo trống. Đến nay đã được thôn, xã hỗ trợ, tạo điều kiện rất nhiều, số thành viên tăng lên 29, trong đó có cả thành viên tám tuổi. Tin vui nữa là từ năm 2022, câu lạc bộ hát trống quân Phúc Lâm là 1/6 câu lạc bộ của huyện Phú Xuyên sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/năm để duy trì hoạt động bảo tồn. Hiện nay, Phúc Lâm có sáu nghệ nhân ưu tú được phong tặng.
Ông Đào Thanh Cơi, Trưởng thôn Phúc Lâm mong mỏi, trong thời gian tới, hát trống quân Phúc Lâm sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là sớm xem xét công nhận hát trống quân Phúc Lâm là di sản văn hóa phi vật thể, tạo thêm một bước tiến trong công tác bảo tồn.
Trong làng, nhân dân rất ủng hộ, bình quân một năm CLB biểu diễn trên dưới chục lần để phục vụ nhân dân. Đội hát trống quân Phúc Lâm đã giành được giải đặc biệt tại Liên hoan dân ca dân vũ Hà Nội năm 2016, giải B năm 2019 và nhiều giải thưởng khác... |
Văn Công