“Tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cả vùng Tây Nguyên. Tôi thấy cả vùng đất từ Bình Phước qua Đắk Nông, Đắk Lắk, cây công nghiệp, cây ăn trái ngút ngàn. Phải có giải pháp rút ngắn thời gian đưa hàng hóa từ vùng này về cảng biển nhanh nhất, phục vụ xuất khẩu” - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói khi đến thăm Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, ngày 12-3-2022.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (bên phải) và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thị sát vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận
Vân Phong là sự khác biệt
Trong chuyến làm việc với tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian khảo sát thực địa phía Bắc của huyện Vạn Ninh và vịnh Vân Phong; thăm Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam (doanh thu năm 2021 đạt 500 triệu USD); thăm dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 (có tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD). Vân Phong là vịnh nước sâu và kín gió, nằm sát đường hàng hải quốc tế, từ lâu đã được Chính phủ quy hoạch xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế và trung tâm du lịch đẳng cấp thế giới. Thời gian vừa qua, cảng Nam Vân Phong là nơi tiếp nhận toàn bộ thiết bị điện gió từ nước ngoài nhập về, rồi vận chuyển lên Đắk Lắk, Đắk Nông.
“Quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trên cơ sở luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trước hết là tập trung cho hậu cần nghề cá, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân trên huyện đảo, củng cố quốc phòng, an ninh trên biển” - Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các bộ, ngành tập trung nhiều hơn nữa cho công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn; tận dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời, tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh báo cáo với Thủ tướng, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng tỉnh vẫn có 13/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 14.000 tỷ đồng, bằng 102,6% so với dự toán, bằng 102,1% so với năm 2020.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhìn nhận một cách thấu đáo, sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua chưa bền vững, chưa có nhiều đột phá lớn. Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa có những điều kiện thuận lợi không địa phương nào tại Việt Nam có được, cụ thể là điều kiện tự nhiên: Có rừng, có núi, có biển, có đảo... Các tuyến giao thông của cả nước đều đi qua đây. Truyền thống lịch sử văn hóa, người dân thông minh, sáng tạo, hiền hòa, yêu nước, giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, dũng cảm trong kháng chiến chống ngoại xâm.
“Khánh Hòa có rất nhiều tiềm năng để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, là nơi hội tụ: Phía Bắc đi vào, phía Nam đi ra, Tây Nguyên đi xuống. Cần phải nghĩ lớn, táo bạo, cơ chế đặc thù mới thu hút được những nhà đầu tư lớn của thế giới đến hợp tác làm ăn” - Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý.
Đa dạng nguồn thu
Trước khi chưa có dịch Covid-19, tổng thu ngân sách tỉnh Khánh Hòa đạt trên 22.000 tỷ đồng/năm, trong đó, thu từ du lịch chiếm khoảng 80%, 2 năm qua, du lịch “đứng hình”, nguồn thu giảm xuống đáng kể. Vấn đề đặt ra cho Khánh Hòa là phải cơ cấu lại nền kinh tế để đa dạng nguồn thu, các thành viên đoàn công tác của Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá về tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Cảng Nam Vân Phong tiếp nhận thiết bị điện gió. Ảnh: Hải Luận
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu ý kiến với tỉnh: “Khánh Hòa cần chú trọng đến công nghiệp sạch, công nghiệp điện tử và công nghiệp hóa chất cơ bản. Lĩnh vực xuất khẩu và thương mại điện tử cũng sẽ là thế mạnh của Khánh Hòa nếu biết tận dụng hết điều kiện đang có. Về năng lượng, cần đẩy mạnh điện gió, hướng đến trở thành trung tâm năng lượng sạch để phục vụ cho sự phát triển của cả quốc gia chứ không phải chỉ phục vụ địa phương”.
“Sắp tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế, xác định được định hướng ưu tiên phát triển. Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm, cần phải có tư duy mới, tầm nhìn mới thì mới có thể phát triển bứt phá. Xét trên nhiều yếu tố, Khánh Hòa phải là “bệ đỡ” cho Tây Nguyên, là trung tâm kết nối các tỉnh Nam Trung Bộ” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Do vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Thời gian tới, Khánh Hòa phải xác định tự lực, tự cường, chuẩn bị năng lực ứng phó với những vấn đề đột xuất xảy ra, bám sát và dự báo tốt tình hình, đưa ra giải pháp phù hợp điều kiện tự nhiên. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các vấn đề cụ thể, thích ứng với tình hình mới. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn”.
Hải Luận