(TITC) - Ngành du lịch Việt Nam nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Toàn ngành đang tập trung nỗ lực phục hồi hoạt động sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Việt Nam được bạn bè quốc tế yêu mến với những giá trị cảnh quan, di sản, văn hóa... nổi bật hàng đầu thế giới (ảnh: Internet)
Trước khi xảy ra dịch bệnh, giai đoạn 2015-2019 đã chứng kiến sự tăng trưởng đột phá của du lịch Việt Nam. Khách quốc tế tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, tăng bình quân 22,7% mỗi năm. Đây là mức tăng cao hàng đầu thế giới theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ 75/141 lên 63/140 nền kinh tế. Du lịch đóng góp trực tiếp 9,2% GDP, chưa kể đóng góp gián tiếp và lan tỏa.
Trên trường quốc tế, Du lịch Việt Nam vinh dự nhận được hàng loạt danh hiệu, giải thưởng quốc tế uy tín như Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á và 2 giải thưởng hàng đầu về golf là Điểm đến chơi golf tốt nhất thế giới và Điểm đến chơi golf tốt nhất châu Á.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã làm đóng băng hoạt động du lịch trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Du lịch và hàng không là những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và thiệt hại nặng nề nhất. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 79,5%; khách nội địa giảm 34,1%; tổng thu từ khách du lịch giảm 58,7% - mức giảm tương đương khoảng 19 tỷ đô-la Mỹ.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong lĩnh vực du lịch; tổ chức phát động các chương trình kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành khi điều kiện cho phép; liên tục làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thúc đẩy chuyển đổi số hỗ trợ các địa phương doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt.
Việt Nam triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế sử dụng "hộ chiếu vắc-xin" từ tháng 11/2021 (ảnh: Internet)
Đối với hoạt động du lịch quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ cuối tháng 11/2021. Tính đến cuối tháng 2/2022, Việt Nam đã đón hơn 10.000 khách du lịch quốc tế theo chương trình thí điểm. Chương trình đã đạt được những kết quả khả quan, đảm bảo an toàn, hiệu quả, nhận được phản hồi tích cực từ khách du lịch về chất lượng dịch vụ và trải nghiệm chuyến đi.
Với sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia có độ phủ vắc-xin phòng Covid-19 cao nhất trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Ngày 16/2 vừa qua, Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan về việc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ 15/3/2022.
Ngày 15/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh Việt Nam không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh từ ngày 15/3/2022. Cùng ngày, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có ý kiến đồng ý khôi phục từ ngày 15/3/2022 các biện pháp, thủ tục về xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trước khi có dịch.
Nhằm thực hiện mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương khẩn trương chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch, trong đó tập trung vào đảm bảo an toàn, triển khai các chương trình kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, bổ sung nguồn nhân lực, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Trong công tác xúc tiến quảng bá, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chương trình truyền thông Live fully in Vietnam, quảng bá những giá trị nổi bật về văn hóa, di sản, cảnh quan cũng như những dịch vụ chu đáo, đẳng cấp của du lịch Việt Nam, mang đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn ở Việt Nam. Qua triển khai, chương trình đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.
Toàn ngành sẽ đẩy mạnh chiến dịch truyền thông quảng bá Live fully in Vietnam nhằm thu hút khách quốc tế quay lại Việt Nam
Đồng thời, với vai trò là cơ quan quản lý du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã định hướng, kết nối các địa phương, doanh nghiệp để hình thành các liên minh, liên kết phát triển du lịch, phát huy hiệu quả cao trong công tác xúc tiến quảng bá và xây dựng sản phẩm.
Ngành du lịch cũng tập trung thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá cũng như đảm bảo du lịch an toàn. Trong đó, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước thông qua các nền tảng số như website, mạng xã hội. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 trên hệ thống trực tuyến. Khuyến khích khách du lịch sử dụng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn trong quá trình đi du lịch ở Việt Nam.
Bên cạnh các hoạt động trực tuyến, năm 2022, ngành du lịch cũng sẽ tổ chức, tham gia các chương trình, sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế nhằm kết nối lại thị trường khách, hướng đến các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Mỹ, châu Âu, Úc… Đồng thời, triển khai các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế lớn như CNN, CNBC. Tất cả nhằm sẵn sàng đón đầu làn sóng phục hồi du lịch ngay trong năm 2022.
Theo dữ liệu từ Google, từ đầu năm 2022 đến nay, lượng tìm kiếm của du khách quốc tế về hàng không và du lịch Việt Nam đang tăng rất nhanh, thời điểm giữa tháng 2/2022 tăng 425% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu rất tích cực trước thềm mở cửa du lịch Việt Nam.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ của toàn xã hội, với tinh thần chủ động, sáng tạo, tin tưởng rằng ngành du lịch Việt Nam sẽ mở cửa thành công, tạo đà cho sự phục hồi mạnh mẽ, phát triển xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước./.
Trung tâm Thông tin du lịch