UBND Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các địa phương, ban ngành hữu quan trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học quý hiện có ở Lâm Đồng.
Theo đó, tỉnh đầu tư sâu và có trọng điểm cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật; đẩy mạnh việc sưu tập, lưu giữ và nhân giống các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu.
Cùng với giải pháp về kỹ thuật trên, tỉnh sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu và quản lý đa dạng sinh học các cấp và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống quy phạm pháp luật của tỉnh cho công tác này.
Nhóm giải pháp lớn thứ ba là thực hiện thật tốt công tác xã hội hóa thông qua việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền mọi người dân và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ nguồn đa dạng sinh học.
Lâm Đồng cũng chú trọng giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với cải thiện đời sống của người dân bằng việc hỗ trợ dân trồng rừng, phát triển du lịch dưới tán rừng, sản xuất nông - lâm kết hợp... và xem đây là nhóm giải pháp về kinh tế bền vững.
Cùng đó, tỉnh triển khai đồng bộ việc liên kết, hợp tác trong và ngoài nước nhằm tiếp cận nhanh với khoa học thế giới, nâng cao trình độ chuyên môn, thu hút các nguồn lực... và đảm bảo tính vùng trong đa dạng sinh học.
Tỉnh quyết định chi một phần lớn từ ngân sách để đảm bảo sự ổn định và chủ động cho công tác này, ngoài ra sẽ huy động nhiều nguồn khác như: thu phí tài nguyên, dịch vụ chi trả môi trường, tài trợ quốc tế...
Lâm Đồng hiện là một trong số ít tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước (hơn 602 nghìn ha) với nhiều vùng rừng nguyên sinh, vườn quốc gia được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia về đa dạng sinh học trong và ngoài nước thì việc xây dựng và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp lớn này theo một kế hoạch dài hạn sẽ giúp Lâm Đồng trở thành vùng bảo tồn đa dạng sinh học hàng đầu của Việt Nam cũng như trong khu vực.