Giữ gìn, bảo tồn nét đẹp trang phục độc đáo đặc trưng của người Nùng Dín ở huyện Mường Khương sẽ góp phần tạo nên sự phong phú, đa sắc màu của 25 dân tộc ở tỉnh Lào Cai.
Tại huyện Mường Khương, người Nùng Dín sống chủ yếu ở các xã: Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương. Người Nùng Dín có nhiều nét văn hóa đặc sắc và nổi bật là bộ trang phục của chị em phụ nữ. Đây cũng chính là bộ lễ phục để nhà gái thách cưới khi con gái trưởng thành xuất giá về nhà chồng. Trang phục truyền thống này được phụ nữ mặc trong ngày cưới, khi đi trẩy hội và khi trở về với tổ tiên ở một thế giới khác.
Trang phục của người Nùng Dín ở huyện Mường Khương với màu sắc chủ đạo là màu đen hoặc màu chàm với nét đặc trưng độc đáo. Nhìn qua nom có vẻ đơn giản, tuy nhiên để có được một bộ trang phục, đẹp đòi hỏi sự công phu và sự tỉ mỉ, đôi bàn tay khéo léo, công sức của chị em phụ nữ nhiều ngày trời. Bà Nghề Thị Chấn ở Thôn Văng Leng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương luôn trân quý những tinh hoa trong bộ trang phục của dân tộc mình.
Bà Chấn nói: "Từ xưa tới nay, chúng tôi vẫn thích mặc trang phục này nhưng chỉ mặc những dịp quan trọng hoặc các ngày lễ lớn trong năm. Để mặc được bộ trang phục này phải mất gần 1 tiếng".
Nét độc đáo trên trang phục của người Nùng Dín là hoa văn không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng. Gam nền có màu tím than, cài thêm những đường nét hoa văn được cách điệu bằng kim loại bạc. Người phụ nữ Nùng Dín thường quấn hai lớp khăn trên đầu, tạo thành hình múi. Khăn vấn sao cho giống hai chiếc sừng trâu hai bên. Nét tượng trưng này thể hiện quan niệm của người Nùng Dín coi “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Đuôi khăn được buông xuống vai. Điểm nhấn của chiếc khăn được đính bằng những hạt bạc trắng, ôm sát phần trán. Hoa văn chủ yếu được trang trí trên cổ, nẹp áo và tay áo. Hoa văn trên cổ áo là những họa tiết hình vuông, hình quả trám, xếp thành hình tam giác liền kề nhau. Độc đáo nhất là những hoa văn ở khuy cổ áo, được làm bằng bạc, có hình con bướm hai bên và gắn các tua hình tam giác. Đây là biểu tượng thể hiện sự mong cầu hạnh phúc của người phụ nữ Nùng Dín. Các hạt bạc còn được làm khuy áo, trang trí dọc nẹp áo, tạo cho trang phục nét trang trọng riêng biệt.
Chiếc váy của người phụ nữ dân tộc Nùng Dín mang hình chóp cụt. Thân váy hơi bồng lên tạo sự duyên dáng, trẻ trung cho trang phục. Trang sức vòng cổ, khuyên tai được làm bằng bạc là một phần quan trọng luôn đi kèm với trang phục. Khuyên tai và vòng cổ được cài những chùm tua xúc xích, đuôi có hình tam giác, hình con cá, con bướm, được trạm trổ tỉ mỉ và tinh xảo.
Chị Thền Thị Hưởng, Thôn Văng Leng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương nói: "Lần đầu tiên tôi mặc bộ trang phục này là ngày cưới. Đây là lần thứ 2. Chỉ là ngày cưới, lễ, Tết thì mới mặc".
Hiện nay, rất nhiều phụ nữ trẻ người Nùng Dín không thông thạo việc mặc trang phục truyền thống. Vì thế những người lớn tuổi luôn mong muốn các con, các cháu được tiếp cận và tìm hiểu về những nét đẹp trong trang phục của dân tộc Nùng Dín.
Bà Hoàng Thị Dương ở thôn Nấm Oọc, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, chia sẻ: "Các bạn trẻ bây giờ ít người biết mặc trang phục này lắm nhưng mỗi khi có dịp lễ lớn chúng tôi lại bảo các cháu mặc trang phục truyền thống cho đẹp và giữ gìn bản sắc văn hóa".
Ông Nùng Chản Phìn, Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, cho hay: Từ hàng trăm năm trước, khi người Nùng Dín tới sinh sống tại đây đã mang trang phục với những nét riêng độc đáo, không giống vùng miền khác.
Ông Phìn nói: "Khi người Nùng xưa chạy trốn nhà Hán đã phải thay đổi trang phục bằng váy, bống như bây giờ để không bị phát hiện…"
Giữ gìn, bảo tồn nét đẹp trang phục độc đáo đặc trưng của người Nùng Dín ở huyện Mường Khương sẽ góp phần tạo nên sự phong phú, đa sắc màu của 25 dân tộc ở tỉnh Lào Cai./.
Mạnh Phương