Những chuyển biến tích cực của du lịch xanh tại Quảng Nam

Cập nhật: 23/06/2022
Tại Quảng Nam, nhận thức về phát triển du lịch xanh đang có những chuyển biến tích cực. Năm 2022, Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam – điểm đến du lịch xanh” đã cho thấy rõ hơn điều đó. Thời gian tới, khi thực hiện những giải pháp mang tính đột phá trong phát triển du lịch, Quảng Nam cần ưu tiên đẩy mạnh du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

Chèo thuyền kayak trên hồ Phú Ninh. Ảnh: Hoàng Ngô Hải

Quan tâm phát triển du lịch xanh

Quảng Nam sở hữu hai Di sản Văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - nghệ thuật bài chòi, cùng nhiều cảnh quan độc đáo như Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm, hơn 400 di tích lịch sử - văn hóa, nhiều bãi tắm đẹp trải dài trên 125km bờ biển và hàng trăm làng nghề truyền thống nổi tiếng… Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam còn lưu giữ nhiều nét văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số; có khí hậu mát mẻ và độ che phủ rừng cao… Đây là tiền đề để khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có du lịch xanh, du lịch bền vững.

Để tạo hướng đi bền vững, ngành Du lịch Quảng Nam đã có bước chuyển biến nhận thức, hướng tới xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025. Định hướng, quyết sách này đang được lan tỏa trong cộng đồng, những doanh nhân, lao động du lịch trực tiếp và cả hoạt động dịch vụ phụ trợ. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền và ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; động viên, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và gìn giữ giá trị văn hóa cộng đồng. UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, xây dựng quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch xanh. Đặc biệt từ năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã có bước chuyển hướng đầu tư phát triển du lịch xanh và xem đây là kim chỉ nam cho sự phục hồi và phát triển ngành Du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Với việc ban hành Kế hoạch số 5177/KH-UBND ngày 10/8/2021 về phát triển du lịch xanh đến năm 2025, Quảng Nam là tỉnh tiên phong đón đầu xu thế phát triển du lịch xanh.

Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Bộ tiêu chí được xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình du lịch bền vững Thuỵ Sỹ (SSTP), có tham khảo tiêu chí của 25 bộ tiêu chí quốc tế và điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tỉnh Quảng Nam. Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam gồm 6 tiêu chí: 1) Du lịch khách sạn; 2) Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; 3) Khu nghỉ dưỡng; 4) Tiêu chí doanh nghiệp lữ hành; 5) Điểm du lịch dựa vào cộng đồng; 6) Điểm tham quan du lịch. Khi tham gia vào bộ tiêu chí, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tư vấn chuyên môn và hỗ trợ thực hiện, có cơ hội marketing trên các kênh truyền thông của Quảng Nam và tổ chức quốc tế về du lịch xanh; có cơ hội tham gia mạng lưới du lịch xanh, được kết nối với các công ty lữ hành lớn… Đến thời điểm hiện tại, đã có 14 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động du lịch tại Quảng Nam cam kết thực hiện Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam 2022.

Ngành Du lịch Quảng Nam đã tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Tiêu biểu có tour vớt rác nhằm tuyên truyền, kêu gọi người dân và du khách chung tay bảo vệ môi trường của Công ty Du lịch Hội An Kayak tour (xã Cẩm Thanh, Hội An) ra đời từ đầu năm 2017. Tham gia tour này, khách du lịch được tự chèo thuyền kayak và dùng vợt để vớt rác trên đoạn đường dài khoảng 8km dọc khu vực sông Hoài từ xã Cẩm Thanh vào phố cổ Hội An. Tour này đã thu hút được khá nhiều người tham gia, nhất là du khách nước ngoài. Bên cạnh việc làm mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đang khai thác tại các di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Quảng Nam đã và đang tập trung xây dựng hình ảnh du lịch Cù lao Chàm, các sản phẩm du lịch vệ tinh lân cận di sản văn hóa thế giới để giảm áp lực du khách đến các khu di sản vào những mùa cao điểm. Tỉnh đã phát triển các làng nghề gắn với du lịch như: rừng dừa Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà (Hội An); sản phẩm du lịch cộng đồng nhà vườn Triêm Tây (thị xã Điện Bàn), làng Trà Nhiêu (Duy Sơn), làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Xuyên). Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch khám phá vùng núi phía Tây và tìm hiểu bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số tại làng Bhờ Hôồng, Dhờ Rôồng (Đông Giang); làng dệt thổ cẩm Zara, thác Grăng (Nam Giang); làng truyền thống Cơtu, Vườn cây di sản Pơ-mu (Tây Giang)... Quảng Nam cũng đang tập trung mở rộng không gian du lịch về phía Nam, bước đầu thu hút lượng khách đến tham quan tại các bãi tắm, làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ), Khu du lịch hồ Phú Ninh (Phú Ninh), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), Vườn sâm Tăk Ngo (Nam Trà My)…

Sắc màu làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh. Ảnh: Hoàng Ngô Hải

Để du lịch phát triển theo hướng tăng trưởng xanh

Thực hiện lộ trình mở cửa đón khách quốc tế, ngày 15/11/2021 Quảng Nam đã chính thức mở cửa đón khách quốc tế tại phố cổ Hội An và di sản Mỹ Sơn. Mục tiêu của du lịch Quảng Nam trong năm 2022 đón trên 4 triệu lượt du khách, trong đó 50% là khách quốc tế; phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón 12 triệu lượt khách du lịch. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách lưu trú tại Quảng Nam đạt 207 nghìn lượt, tăng 21,4% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 4 nghìn lượt, tăng 23,5%; khách trong nước đạt 203 nghìn lượt, tăng 21,3%. Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với ngành Du lịch Quảng Nam sau 2 năm gián đoạn bởi đại dịch.

Du lịch xanh còn là loại hình du lịch mới cả về khái niệm lẫn tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ cho mục đích du lịch. Do đó nâng cao nhận thức, đưa ra chiến lược, giải pháp đúng đắn để phát triển du lịch xanh là điều hết sức quan trọng.

Tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh, trước hết là đối với các nhà quản lý các cấp (từ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp du lịch và các ngành có liên quan đến du lịch) về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch xanh. Đồng thời, nâng cao nhận thức, giáo dục, đào tạo cho cộng đồng về phát triển du lịch xanh, nhất là ở các vùng, các điểm, khu du lịch.

Nghiên cứu tiềm năng, lợi thế để xây dựng những sản phẩm du lịch xanh đặc trưng gắn với thương hiệu du lịch Quảng Nam. Trước hết, quan tâm nhân rộng các mô hình phát triển du lịch xanh hiện có như mô hình nông nghiệp hữu cơ tại làng Thanh Đông; tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống tại làng du lịch cộng đồng Gò Nổi, An Nhiên farm; sản phẩm thảo mộc vì sức khỏe của An Farm; sản phẩm điêu khắc quà tặng du lịch được tái chế từ rác thải biển của Coco Casa; tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế của Sea’lavie Boutique Resort & Spa... Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường, đặc biệt là mở rộng không gian du lịch về phía Nam và phía Tây.

Có chính sách khuyến khích tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trong các dịch vụ du lịch với những điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương như ứng dụng năng lượng gió, mặt trời; sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu tự nhiên; chế biến rác thải, xử lý nước thải; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… hoặc khuyến khích các chương trình bảo tồn, truyền bá văn hóa dân gian, dân tộc trong phát triển du lịch. Kết hợp chặt chẽ giữa quá trình xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch. Đầu tư xứng đáng cho quảng bá, xúc tiến du lịch xanh bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm xây dựng Quảng Nam thành một điểm đến thân thiện với du khách.

Trong định hướng phát triển du lịch xanh, Quảng Nam cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển du lịch; tăng cường liên kết phát triển du lịch xanh với các địa phương khác để lan tỏa giá trị của sản phẩm và nâng cao nhận thức của cộng đồng, du khách khi hưởng thụ sản phẩm du lịch xanh; Thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên. Công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch cần đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, điều chỉnh tùy tiện, phá hủy tài nguyên, cảnh quan, môi trường; Thực hiện nghiêm chỉnh việc đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư phát triển tại các khu, điểm du lịch và nơi có tài nguyên du lịch trước khi cấp phép hoạt động…

Tài liệu tham khảo

1. Lưu Hương (2022), Quảng Nam: Tiên phong xu thế phát triển du lịch xanh, https://baochinhphu. vn. Cập nhật ngày 26/3/2022.
2. UBND tỉnh Quảng Nam (2021), Kế hoạch số 5177/KH-UBND ngày 10/8/2021 về phát triển du lịch xanh đến năm 2025, Quảng Nam.
3. UBND tỉnh Quảng Nam (2021), Quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày4 /12/2021 ban hành Tiêu chí du lịch xanh, Quảng Nam.
4. UBND tỉnh Quảng Nam (2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3, Quý I và một số nhệim vụ trọng tâm quý II/2022, Quảng Nam.

ThS. Lê Đức Thọ

Nguồn: Tạp chí Du lịch - vtr.org.vn - Đăng ngày 23/06/2022