Nhắc đến văn hóa cổ truyền của đồng bào Mông ở vùng Tây Bắc không thể không nói đến điệu múa sinh tiền (sênh tiền), một trong những nét văn hóa mang đậm tinh hoa cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông.
Múa sinh tiền được người Mông trình diễn trong mỗi dịp lễ hội trong năm.
Ông Lý Chiến Sách, dân tộc Mông, trưởng bản Mông Tổng Kim (xã Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Múa sênh tiền được người Mông sáng tạo nên, gắn với đời sống văn hóa, tâm linh, cưới hỏi, tang ma của đồng bào nơi đây”.
Nét độc đáo của điệu múa sênh tiền trước hết thể hiện ở nhạc cụ, đó là cây gậy sênh tiền. Gậy sênh tiền được làm từ thân cây trúc, có chu vi khoảng 5 - 7 cm, chiều dài của gậy khoảng từ 80 - 120 cm. Thân gậy được làm từ 4 - 5 đốt ống trúc có chiều dài tương đối đều nhau.
Thông thường thì gậy sênh tiền được làm từ 4 đốt ống trúc, trong đó 3 đốt ống được đục lỗ, mỗi đốt đục 4 lỗ, mỗi lỗ xâu 3 đồng xu, đốt thứ hai không đục lỗ để khi biểu diễn người biểu diễn cầm vào đốt này. Trước đây, gậy sênh tiền chủ yếu là tiền xu, nhưng hiện nay tiền xu rất hiếm nên được thay thế bằng các hình tròn nhôm, sắt… Ở hai đầu gậy được buộc một ít sợi chỉ có đủ các màu, xanh, đỏ, tím, vàng hoặc sợi vải đỏ để gậy thêm đẹp hơn, giúp quá trình biểu diễn điệu múa mềm mại, uyển chuyển, sinh động.
Khi trình diễn, người múa sinh tiền phải thực hiện theo những thao tác của bài múa, đồng thời có thể sáng tạo thêm những động tác khác cho bài múa được sinh động. Để biết múa gậy sênh tiền, người học bắt buộc phải thuộc mười thao tác cơ bản, đây là thao tác không thể thiếu.
Khi biểu diễn, các động tác này được lặp đi lặp lại nhiều lần, trong quá trình xoay chuyển, di chuyển chỗ không sử dụng hết tất cả các thao tác. Cụ thể, động tác 1, 2, 3 vuốt gậy lên xuống 3 lần, động tác 4 vẩy đầu gậy dưới lên, động tác 5 khi vẩy đầu dưới lên thì tiếp theo phải đập đầu dưới xuống, động tác 6 khi đập đầu dưới xuống thì đầu trên của gậy có xu hướng quay vòng tròn theo hướng đầu đập xuống.
Tay trái đỡ đầu trên lên gậy vung về phía vai phải (động tác 7), tay trái đưa ra đỡ đầu dưới (động tác 8). Đầu gậy trên vung về phía vai trái (động tác 9), tay trái vuốt gậy từ đầu tay cầm đến đầu trên theo hướng xuống dưới (động tác 10).
Múa sinh tiền được đưa vào hoạt động ngoại khoá trong nhà trường.
Mỗi điệu múa sênh tiền thường gồm 4 - 5 đoạn tùy người múa chọn. Khi biểu diễn, người biểu diễn các động tác 1, 2, 3 sẽ lặp lại 2 rồi đến động tác thứ 4 bắt đầu xoay vòng người. Mỗi một đoạn xoay 3 vòng, mỗi vòng 3600, vòng 1 xoay ngược chiều kim đồng hồ, vòng 2 xoay theo chiều kim, vòng 3 ngược chiều kim đồng hồ, kết thúc vòng 3 chuyển sang đổi chỗ nếu múa đôi nam, đôi nữ.
Gậy sênh tiền được dùng đi kèm với khèn vào các dịp lễ hội, vui xuân hay có người mất. Người múa khèn đi trước, gậy sênh tiền múa theo sau, điệu múa của khèn như thế nào thì gậy sênh tiền y hệt như vậy. Các điệu xoay người của khèn như thế nào thì gậy cũng xoay theo như vậy. Đây là hai nhạc cụ kết hợp cùng nhau. Thầy giáo Lý Chiến Gìn, dân tộc Mông (Bảo Yên- Lào Cai) kể rằng: “Trong tang ma, người Mông thể hiện tình cảm chia buồn cùng gia đình tang quyến bằng việc sử dụng nhạc cụ khèn, gậy sênh tiền, trống. Chỉ các gia đình có mối quan hệ như thông gia, con cháu mới thực hiện nghi lễ này”.
Múa sênh tiền và cây gậy sênh tiền gắn bó sâu đậm trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông Tây Bắc, thể hiện tư duy sáng tạo và sự khéo léo, tinh tế trong việc chế tạo ra nhạc cụ và bài múa. Mỗi khi bản làng có hội xuân, gia đình có tang ma, múa sênh tiền cùng với cây khèn đã trở thành linh hồn tạo nên những âm hưởng sâu lắng, gợi lên sắc màu văn hóa truyền thống của mảnh đất và con người nơi đây./.
Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng