Thăng trầm hát xẩm

Cập nhật: 30/06/2022
Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của những người hát rong, hát dạo ngoài đường phố, bến xe, ga tàu... Trong một thời gian khá dài, do nhiều nguyên nhân và những quan niệm chưa đúng về hát xẩm khiến loại hình diễn xướng này vắng bóng và có nguy cơ thất truyền. Vài năm trở lại đây, một số nghệ nhân đam mê cổ nhạc đã tìm lại “đặc sản” hát xẩm đường phố để đưa vào những khán phòng sang trọng, phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc cổ truyền của khán giả và khách du lịch khi đến tham quan phố cổ Hà Nội.

NSND Xuân Hoạch biểu diễn bài xẩm cô đào. Ảnh: Ngọc Ánh

“Đặc sản” của những người hát rong

Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ cung cấp, hát xẩm được hình thành khoảng thế kỷ thứ XIV. Từ nhiều thế kỷ trước đây, những người khiếm thị, người nghèo hành nghề ăn xin đã dùng hát xẩm để kiếm sống, mưu sinh. Tuy xẩm là tiếng hát rong nhưng đã được các “nghệ sĩ đường phố” thể hiện rất chuyên nghiệp, với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn.

Trước đây, sau những vụ mùa bội thu, những gánh hát xẩm thường được mời về hát tại những gia đình giàu có, quyền quý. Những bài xẩm được gánh hát thể hiện cho tầng lớp quý tộc được coi là dòng xẩm nhà trò, xẩm nhà tơ hoặc xẩm cô đào. Ngoài ra, còn dòng xẩm chợ, với nhạc cụ đi kèm là đàn bầu hay nhị kết hợp cùng sênh phách (khác với xẩm cô đào dùng nhạc cụ là đàn đáy và sênh phách).

Xẩm còn sử dụng nhiều làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ khác như trống quân, cò lả, hát ví, ru em, quan họ, chèo... hoặc ngâm thơ các điệu bồng mạc, sa mạc. Các làn điệu dân ca khác khi được dùng trong hát xẩm đã được “xẩm hóa” theo phong cách đặc trưng của xẩm.

Riêng tại Hà Nội còn có một dòng xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được, đó là xẩm tàu điện, vì thường được hát trên tàu điện. Xẩm tàu điện cũng do các nghệ nhân xẩm từ chốn thôn quê ra Hà Nội biểu diễn. Để làm vừa lòng nhu cầu thẩm mĩ của người dân chốn đô thị vốn am hiểu và có trình độ trong việc thưởng thức văn hóa, các gánh xẩm đã khéo léo lồng vào xẩm những bài thơ của các thi sĩ như “Anh khóa”, “Cô hàng nước” của Á Nam Trần Tuấn Khải, “Giăng sáng vườn chè”, “Em đi tỉnh về” của Nguyễn Bính... tạo nên nét đặc sắc riêng văn hóa phố phường của Thăng Long-Hà Nội.

Thăng trầm hát xẩm

Những năm đầu và giữa thế kỷ XX, hát xẩm đã trở thành món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Không chỉ phục vụ cho đám đông ngoài xã hội, người nghệ sĩ xẩm còn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu như trong dịp cưới xin, ma chay, giỗ kỵ... Thời kỳ đất nước ta lâm vào chiến tranh, xẩm địch vận đã xuất hiện và phát huy vai trò tích cực của mình. Để động viên tinh thần đấu tranh anh dũng của các chiến sĩ trong trận tuyến giữ mạch máu lưu thông cầu Hàm Rồng, nghệ nhân xẩm Minh Sen (Thanh Hóa) đã ôm cây đàn nhị đi khắp mọi nơi trên mặt trận để mang những lời ca hóm hỉnh từ xẩm động viên các chiến sĩ. Nghệ nhân xẩm đất Ninh Bình là bà Hà Thị Cầu đã sáng tác bài xẩm “Theo Đảng trọn đời” theo điệu thập ân với những câu thơ mang tinh thần cổ vũ nhiệt thành: “Vững tâm theo Đảng nghe con/ Đạp bằng sóng gió sắt son lời thề”. Hay nghệ nhân Vũ Ðức Sắc sáng tác bài xẩm “Tiễu trừ giặc dốt” để hưởng ứng phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động...

Các nghệ sĩ biểu diễn “Xẩm tàu điện” trong Chương trình “Ký ức Hà Nội” tại Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh

Từ thập niên 60 của thế kỷ trước trở lại đây, do điều kiện môi trường sống và xã hội thay đổi, bên cạnh đó là do những quan niệm chưa đúng về nghệ thuật hát xẩm (coi xẩm là thứ văn hóa thấp kém) dẫn đến sự tan rã dần các phường hát xẩm. Các nghệ nhân xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc đã gắn bó cả cuộc đời họ. Đời sống xã hội của nghệ sĩ xẩm không còn, nghệ thuật hát xẩm đã bị lãng quên, gần như thất truyền.

Mãi tới năm 2013, một nhạc công tài ba của đất Hà thành là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Xuân Hoạch trăn trở trước nguy cơ thất truyền nghệ thuật hát xẩm, ông quyết tâm đứng ra thành lập nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” để tạo một sân chơi cho các nghệ sĩ yêu âm nhạc cổ truyền. Nhóm “Đông kinh cổ nhạc” do NSND Xuân Hoạch làm Chủ nhiệm hiện có khoảng 15 thành viên tham gia, đều là những nghệ sĩ có tên tuổi trong “làng cổ nhạc” như: NSND Thanh Hoài, NSND Thanh Bình, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Vũ Ngọc, NSƯT Công Hưng, NSƯT Mạnh Phóng, nghệ sĩ Thanh Hà, NSND Minh Gái, NSND Mẫn Thu, NSƯT Thúy Ngần, nghệ nhân Trọng Quỳnh...

Trước thời điểm có dịch Covid-19, đều đặn hàng tháng, nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” có 2 buổi biểu diễn trên sân khấu “Chuyện nhạc phố cổ” tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (số 50 Đào Duy Từ, Hà Nội) nhằm phục vụ khán giả yêu âm nhạc cổ truyền và khách tham quan du lịch. Tại đây, mỗi nghệ sĩ đóng góp một câu chuyện âm nhạc của riêng mình, tạo nên bức tranh toàn cảnh về cổ nhạc Việt Nam, từ hát chèo, hát văn, hát xẩm cho đến ca trù, quan họ, tuồng... “Đặc sản” hát xẩm được NSND Xuân Hoạch biểu diễn luôn làm lay động trái tim nhiều khán giả mê cổ nhạc và khách phương Tây khi đến thưởng thức “Chuyện nhạc phố cổ”.

Ngoài thời gian đi biểu diễn, các thành viên trong nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” còn tham gia luyện tập, sinh hoạt nghệ thuật cùng nhau tại Nhà tre (làng Láng, Hà Nội). Hiện nay, một số trường trung học phổ thông, đại học đóng trên địa bàn Hà Nội đã mời các nghệ sĩ trong nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” đến biểu diễn, giảng dạy về âm nhạc cổ truyền và nhạc cụ dân tộc cho học sinh, sinh viên của trường. Các em đều rất yêu thích âm nhạc truyền thống.

“Chúng tôi rồi cũng đến lúc trở về với cát bụi, không thể sống mãi để đàn hát nên rất muốn đào tạo được một lớp trẻ kế cận để gìn giữ những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống cho các thế hệ mai sau. Những nỗ lực của nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” trong thời gian qua là hướng đến mục tiêu đó” - NSND Xuân Hoạch chia sẻ.

Ngọc Ánh

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 30/06/2022