Kể từ năm 1970, Ngày Trái đất được tổ chức thường niên vào 22/4. Sự kiện này diễn ra tại một số nước khác thu hút rất nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên tụ họp và tăng cường sự hiểu biết về suy thoái môi trường. Ngày 22/4/2009 vừa qua, rất nhiều quốc gia trên thế giới kỷ niệm 39 năm Ngày trái đất để nhắc nhở mọi người dân trên thế giới về tầm quan trọng của việc bảo vệ hành tinh, môi trường sống.
Tại Mỹ, để kỷ niệm ngày Trái đất hàng năm tất cả các hoạt động hướng tới tiêu chí “xanh” được phát huy tối đa. Một chiến dịch mang tên “Thế hệ xanh” nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo (như năng lượng từ mặt trời, gió, biển), khuyến khích “nghề nghiệp xanh” và “nền kinh tế xanh” (nghề nghiệp và nền kinh tế phát triển thân thiện với môi trường).
Nhiều nước châu Á như Nhật, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Ấn Độ... có lễ hội với nhiều sự kiện chào mừng Ngày Trái đất.
Tại Trung Quốc một chiến dịch mang tên “giảm lượng khí thải hiệu ứng nhà kính” tiến hành đồng thời tại 8 thành phố lớn: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân… với các hoạt động trồng cây, sử dụng thiết bị tiết kiệm nhiên liệu, trồng vườn trong thành phố...
Ngày Trái Đất là ý tưởng của Thượng nghị sĩ Mỹ Gaylord Nelson của bang Wisconsin khi nhận thấy con người ngày càng tàn phá môi trường sống của mình. Ngày Trái Đất đầu tiên được tổ chức năm 1970 ở Mỹ.
Mục đích của phong trào Ngày Trái đất, Giờ Trái đất gửi gắm thông điệp tới mọi người dân rằng, hành động, cách sống của chúng ta có tác động rất lớn đến môi trường. Do vậy, chúng ta hãy chung tay hành động để giữ mãi màu xanh trái đất.