Rừng khộp là một kiểu rừng đặc trưng với các cây thuộc họ Dầu lá rộng (Dipterocarpaceae) chiếm ưu thế và chỉ có ở khu vực Đông Nam Á.
Kiểu rừng thưa và thoáng này thường phân bố ở những vùng có khí hậu phân biệt thành hai mùa mưa - khô rõ rệt.
Vào mùa khô, rừng khộp trơ trụi lá, đất đai khô cằn, các dòng suối trong rừng hầu hết đều cạn kiệt khiến những người lần đầu đến thăm có thể ngỡ rằng đó là khu rừng chết. Chính vì cây lá rụng nhiều, ở mặt đất lại thường là các loại cỏ, le và cây con mọc dày đặc nên loại rừng này rất dễ cháy vào mùa khô. Tuy nhiên, chính lửa lại là yếu tố tích cực làm quả cây có đủ điều kiện để nảy mầm và tạo nên sức tái sinh mãnh liệt của rừng khộp. Chỉ cần có một cơn mưa thoáng qua là cả khu rừng lập tức bừng màu xanh trở lại. Trong suốt mùa mưa, cây cối trong rừng khộp phát triển mạnh và tươi tốt.
Rừng khộp là nơi tập trung của nhiều loài thú của Châu Á như: hươu, nai, voi, khỉ, vượn ..., trong đó có các loài thú quí hiếm của thế giới như bò xám (Bos sauveli), tê giác (Rhinoceros)…
Tại Việt Nam, rừng khộp được phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trong đó, Tây Nguyên là nơi có diện tích lớn nhất và đặc trưng nhất với khoảng 500.000 ha phân bố từ Nam cao nguyên Pleiku đến Tây Ninh. Nơi có diện tích rừng khộp lớn nhất nước ta là huyện Ea Súp thuộc tỉnh Đắc Lắc với 357.114ha. Tầm quan trọng của rừng khộp cũng đã được thừa nhận thông qua việc thành lập VQG Yok Đôn tại huyện Buôn Đôn tỉnh Đắc Lắc. Đây là VQG duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này.
VQG Yok Đôn là một địa điểm quan trọng để bảo tồn nhiều loài thú lớn như bò tót (Bos gaurus), bò rừng (Bos javanicus) và Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes). Khu vực này cũng được coi là một trong những vùng bảo tồn chim quan trọng của Việt Nam, nhất là đối với chim công (Pavo muticus). Tầm quan trọng này lại càng được khẳng định với sự phát hiện loài chìa vôi Mê Kông (Motacilla samveasnae) và quắm lớn (Pseudibis gigantea). Trong số 51 loài động vật quý hiếm ở Đông Dương đã phát hiện được 38 loài hiện diện ở rừng khộp Tây Nguyên.
Không chỉ là nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm, rừng khộp còn có rất nhiều loài thực vật có giá trị. Hiện tại ở Tây Nguyên đã ghi nhận 404 loài thực vật, trong đó 120 loài cung cấp gỗ với nhiều loài gỗ quý như giáng hương (Pterocarpus macrocarpus), cà te hay gõ đỏ (Afezelia Xylocarpa), gụ mật (Sindora siamensis)... Cây cao trung bình từ 20 đến 25 m tạo thành từng tầng, từng lớp đan chen nhau tô điểm cho rừng Tây Nguyên mầu xanh ngút ngàn, hùng vĩ.
Nếu khai thác mỗi cây dầu trưởng thành cho từ 6 đến 7 kg, thì hằng năm sản lượng dầu lỏng khai thác toàn vùng thật sự không nhỏ. Bên cạnh cây cho dầu lỏng còn có cây cẩm liên (Sindora siamensis), sao đen (Hopea odorata) tiết nhựa ra một cách tự nhiên dọc vỏ thân cây không rơi xuống đất mà đọng lại như nhũ đá, có mầu trắng. Hàm lượng tinh dầu trong nhựa dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb) có tỷ lệ cao tới 50% được dùng trong công nghệ sơn, đánh bóng gỗ. Nhân dân địa phương thường dùng thắp sáng, sơn quét các đồ dùng bằng tre, nứa trong nhà như nong, nia, thúng, mủng rất bền. Quần thể thực vật họ dầu có ưu điểm phát triển chiều cao rất nhanh, khi cao tới 10-15 m thì phát triển chậm lại tạo thành một lớp vỏ dày cứng và chiều cao lý tưởng luôn thích nghi và chống chọi với nạn cháy rừng.
Dưới tán lá cây họ dầu và cây lấy gỗ là loài song, mây, tre, nứa... và thảm cỏ dày đặc làm nguồn thức ăn phong phú cho động vật móng guốc. Tại đây còn có 23 loài phong lan muôn mầu sắc, hơn 150 loài cây cho lá và quả làm thức ăn cho người và động vật, có 64 loài cây dùng làm dược liệu như: địa liền, thiên niên kiện, hà thủ ô, sâm bố chính, mã tiền... nhưng hiện Tây Nguyên chưa có kế hoạch khai thác, bảo vệ, nhân nuôi để phát triển thành nơi cung cấp nguồn dược liệu, hương liệu cho cả nước và xuất khẩu.
Rừng khộp hiện tại bị coi là kém hiệu quả kinh tế và đang bị chặt hạ để chuyển đổi sang trồng các loại cây khác được coi là có hiệu quả cao hơn. Thực tế không nhiều người dân và thậm chí là cả chính quyền địa phương cũng chưa hiểu hết được các giá trị của rừng khộp, cả về kinh tế và các giá trị sinh học, sinh thái. Hàng trăm hecta rừng khộp đang bị chuyển đổi sang trồng cao su, cà phê… là điều thực sự đáng báo động! Không những vậy có những địa phương có thể đã biết nhưng cố tình lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân để chặt hạ rừng khộp “nghèo” với khối lượng gỗ tận thu được lên tới 9.5m3/ha.
Trước hết chính những người có trách nhiệm cần phải nhận thức được vai trò quan trọng của rừng khộp đối với môi trường sinh thái và giá trị kinh tế của nó. Qua đó tìm cách bảo tồn và khai thác có hiệu quả đảm bảo sự phát triển bền vững.