Phát triển du lịch tác động lên môi trường

Cập nhật: 22/04/2009
Hầu hết khách du lịch cho rằng việc du lịch của họ không nên hủy hoại môi trường. Ít nhất 1/3 khách du lịch sẵn sàng trả thêm phí để mang lại lợi ích cho cộng đồng ở địa phương và cho việc bảo tồn thiên nhiên.

Phần lớn du khách có mong muốn tìm hiểu về phong tục, địa lý, văn hóa. Trong các lĩnh vực này, môi trường đóng vai trò rất quan trọng. Vậy nhưng, ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) ở nhiều nước, đặc biệt các nước đang phát triển còn rất thấp khiến du lịch đang “phá” môi trường.

 

Tăng nhu cầu du lịch, tăng tác hại lên môi trường

Môi trường – tài sản quan trọng đối với công nghiệp du lịch hiện chưa được ngành này quan tâm chính là mối bận tâm của nhiều doanh nghiệp có mặt tại hội thảo “Xây dựng năng lực về quản lý tài nguyên và môi trường cho các khách sạn và khu du lịch”, TP.HCM ngày 10 và 11/4/2009.

Nhiều doanh nghiệp cùng nhìn nhận vấn đề xây dựng cơ sở lưu trú du lịch sẽ kéo theo những tác hại: ảnh hưởng nguồn nước, gây tiếng ồn, phá vỡ cảnh quan, tạo rác thải, nước thải.

Đặc biệt, phát thải CO2 của khách du lịch quốc tế gấp 5 lần phát thải CO2 hằng năm của cư dân trong nước công nghiệp; phát thải CO2 toàn cầu/đầu người/năm bằng một chuyến bay 14 ngày từ châu Âu đến châu Á. Phát thải CO2 là một phần chính nguyên nhân dẫn tới hiện tượng Trái đất nóng lên và gây biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên cạnh đó, khách du lịch tiêu thụ nước tại các địa điểm đến lớn hơn 3–4 lần so với cư dân địa phương.

Trong khi đó, những biện pháp nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng ở VN khá khiêm tốn. Chỉ 18% doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch kiểm toán năng lượng trong vòng 3 năm, 12% áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới, ví dụ: thu hồi nhiệt, bơm nhiệt, chỉ 2% doanh nghiệp thu hồi pin thải và không doanh nghiệp nào có ý thức quản lý chất thải độc hại…

Đại diện của trung tâm này cho biết, các khách sạn chưa quan tâm và ngại quảng bá với khách về các hoạt động tiết kiệm tài nguyên... Bên cạnh đó, việc đào tạo, nâng nhận thức nhân viên về vấn đề môi trường và quản lý tài nguyên chưa được xem là quan trọng.

 

Không bảo vệ môi trường, khó cạnh tranh

Theo Giám đốc dự án cơ quan quản lý môi trường và năng lượng Pháp (ADEME), bà Arica Allis, 3/4 khách du lịch cho rằng việc du lịch của họ không nên hủy hoại môi trường. Ít nhất 1/3 khách du lịch sẵn sàng trả thêm phí để mang lại lợi ích cho cộng đồng ở địa phương và cho việc bảo tồn thiên nhiên. Phần lớn khách du lịch có mong muốn tìm hiểu về phong tục, địa lý, văn hóa. Trong các lĩnh vực này, môi trường đóng vai trò rất quan trọng.

Bà Nguyễn Phương Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch nêu ý kiến, nhiều nước Châu Âu, khách du lịch đã có nhận thức sâu sắc về BVMT và chỉ chọn những điểm đến du lịch sinh thái hoặc du lịch không tác hại đến môi trường.

Đồng tình ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thọ chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cho biết, rất nhiều đất nước trên thế giới coi việc bảo tồn động vật có nguy cơ tuyệt chủng là niềm tự hào và dùng niềm tự hào đó lôi kéo, tạo hứng thú cho khách du lịch.

Phần nhiều khu du lịch ở Việt Nam chưa có ý thức này. Nên đi trước đón đầu hợp lí, vì đây là việc làm tốt cho đất nước chúng ta, chưa kể đến, nếu không thay đổi cách nhìn nhận về BVMT sẽ không thể cạnh tranh.

Theo bà Phương Anh, lượng khách du lịch trung bình tăng gần 4,5%/năm, tỉ lệ thuận với một số tác động của kinh doanh lưu trú du lịch đến môi trường như: tiêu thụ tài nguyên, tạo chất thải, phát sinh tiếng ồn, phát thải nhiệt.

Trong khi đó ý thức bảo vệ môi trường của chúng ta thực tế chỉ nằm ở mức rất thấp như: các doanh nghiệp du lịch chỉ chú ý các biện pháp BVMT ít đầu tư như nâng cao ý thức về môi trường cho khách, nhân viên; thiếu và hiệu lực yếu về những chế tài đối với những hành vi vi phạm, xâm hại đến môi trường.

Nguồn: VNN