Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố trao giải thưởng “Thành phố xanh” (Green capital) 2010 và 2011 cho Stockholm (Thụy Điển) và Hamburg (Đức) do những nỗ lực bảo vệ môi trường của chính quyền và người dân 2 thành phố này. Dựa trên ý tưởng của một số nước EU vào năm 2006, EC đã lập ra “European Green Capital Award” (Giải thưởng Thành phố xanh châu Âu) nhằm vinh danh những thành phố đã cố gắng không mệt mỏi trong việc cải thiện môi trường ở khu vực thành thị,
Từ năm 2010, mỗi năm có một thành phố châu Âu sẽ được EC sẽ xét duyệt bình chọn là “Thành phố xanh châu Âu của năm”.
Trong lần đầu tiên này, 35 thành phố thuộc EU đã nộp đơn để được xem xét và công nhận là “thành phố xanh đầu tiên” ở châu Âu. Ngoài 2 thành phố nổi bật nhất trong nỗ lực bảo vệ môi trường là Stockholm và Hamburg, trong Top 8 còn các thành phố Bristol (Anh), Amsterdam (Hà Lan), Copenhagen (Đan Mạch), Freiburg (Đức), Munster (Ireland) và Oslo (Na Uy).
Theo thống kê của EC, tỷ lệ khí thải nhà kính/đầu người của Stockholm đã giảm 25% từ năm 1990 và đến nay, tỷ lệ này thấp hơn 1/2 so với chuẩn khí thải quốc gia của Thụy Điển. Trong khi đó, từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ CO2/ đầu người của Hamburg đã giảm 15% và chính quyền thành phố dự kiến cắt giảm đến 40% lượng khí thải vào năm 2020.
Hamburg có nhiều hành động thiết thực để hướng đến mục tiêu đó. Thành phố cảng này đã đẩy mạnh đầu tư vào những dự án áp dụng công nghệ mới làm sạch môi trường, điển hình là chương trình sử dụng xe hơi chạy bằng hydro và điện. Với việc xúc tiến hợp tác với các công ty Daimler (sản xuất xe hơi), Shell, Total (dầu khí) và Vattenfall (năng lượng), chính quyền và người dân Hamburg muốn cho châu Âu thấy rằng, họ thật sự xứng đáng với giải thưởng của EC.
Từ năm 2010, chính quyền Hamburg sẽ rót hơn 3 triệu USD vào dự án này. Hãng Daimler cũng khẳng định sẽ đầu tư hàng chục triệu USD vào xe hơi “xanh”. Năm 1999, Daimler đã cho ra lò loại xe buýt đầu tiên chạy bằng pin nhiên liệu có tên “Christmas Shuttle”.
Bốn năm sau, Hamburg trở thành một trong 12 thành phố trên thế giới chọn Daimler hợp tác trong dự án sản xuất 36 xe buýt “xanh” Citaro (giá đến hơn 3 triệu USD/chiếc). Dieter Zetsche, Giám đốc điều hành Daimler, nhấn mạnh, xe buýt chạy bằng pin nhiên liệu không hề thua kém bất kỳ xe buýt nào chạy bằng xăng hay dầu. Nó có thể chạy 400km mới phải nạp pin và thời gian nạp chỉ vài phút.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là hiện còn ít trạm nạp nhiêu liệu và đây sẽ là việc chính quyền Hamburg phải bàn với Shell, Total và Vattenfall. Zetsche ước tính, giá để thiết lập hệ thống nạp nhiên liệu thuận tiện sẽ... hơn 2 tỷ USD.