“Tại vùng đất kinh kỳ có trên 300 năm lịch sử, cái gì làm nên bản sắc riêng có của Huế? Đó là con người Huế. Đó là con người coi trọng việc học hành, tôn kính tổ tiên, quý trọng lễ nghĩa, hàm dưỡng tinh thần...”.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm khẳng định như trên tại hội thảo khoa học cấp bộ khi bàn về việc, làm sao để phát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức mới đây.
“Đạp xe - Câu chuyện về lộ trình xanh” và khai mạc triển lãm “Copenhagen - Thành phố đáng sống - Thành phố xe đạp” tại TP. Huế
Phong vị riêng
Theo ông Nguyễn Khoa Điềm, sự tồn tại một thành phố văn hóa như Huế không chỉ là việc cắm hoa làm đẹp trong nhà và ngoài đường, mà phải biến nghề trồng hoa thành mối lợi cho người lao động. Sự phát triển kinh tế đúng cách, chọn trúng nghề đem lại năng suất, hiệu quả cao cũng là một phương diện của văn hóa. Huế phải trở thành thành phố giàu có bằng chính năng lực lao động sáng tạo của con người. Đó là chiều sâu đáng giá của một thành phố văn hóa và du lịch.
Thừa Thiên Huế sở hữu trữ lượng tài nguyên văn hóa dồi dào, phong phú, đa dạng, độc đáo. Điều này được thể hiện rõ trong chiều sâu lịch sử, từ quá khứ đến hiện tại, trải dài trong không gian Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn với các loại hình văn hóa độc đáo gắn với bản sắc riêng của các cộng đồng, tộc người ở miền núi, vùng đồng bằng và ven biển.
Sức hấp dẫn, cuốn hút của Huế không chỉ ở vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc linh thiêng của những di sản văn hóa độc đáo, mà còn là những nét riêng trong lối sống; vẻ đẹp trong tâm hồn của con người nơi đây đã góp phần làm nên phong vị riêng của Huế. Người Huế coi trọng văn hóa, lễ nghi, tôn sư trọng đạo, coi trọng chữ nghĩa, có tấm lòng bao dung, rộng mở, hòa hiếu, có lối sống thiên về nội tâm, trọng tình, gắn bó hài hòa với thiên nhiên.
“Người Huế thích sự nhỏ nhẹ, tinh tế trong lời nói, hành vi, sống theo những khuôn mẫu, chuẩn mực đạo đức cộng đồng; nơi lắng đọng và kết tinh những giá trị tốt đẹp của dân tộc, thấm đẫm trong đời sống vật chất, tinh thần và trong mỗi lời nói, hành động của con người...” PGS. TS. Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Duy Bắc; PGS.TS. Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Vũ Thị Phương Hậu đánh giá.
Con người Huế trong quá khứ lẫn hiện tại là tổng hợp của nhiều tính cách đặc sắc kết tinh từ nền nông nghiệp lúa nước và cộng động làng xã bền chặt của Việt Nam, nhưng cũng có những nét riêng phát xuất từ môi trường văn hóa cụ thể và hoàn cảnh lịch sử đặc thù.
Nói về văn hóa, con người Huế, ông Trần Đại Vinh, Nhà nghiên cứu Huế bày tỏ quan điểm: “Cảnh sắc hiền hòa của sông Hương – núi Đụn hay sông Hương – núi Ngự tạo nét hiền hòa của con người Huế. Nghề nghiệp sinh sống chính vẫn là nghề nông; nghề thợ, nghề thầy cũng làm cho người Huế hiền hòa. Việc thấm nhuần giáo lý của tôn giáo dẫu có mức độ khác nhau, nhưng người Huế không có biểu hiện cuồng tín hay mê tín.
Người dân - chủ thể của văn hóa
Các nghị quyết của Tỉnh ủy; các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của tỉnh được xây dựng trên cơ sở xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn lực nội sinh quan trọng để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững; tăng trưởng kinh tế phải gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa. Tinh thần ấy, mục tiêu ấy đã được quán triệt trong các nhiệm vụ phát triển của Thừa Thiên Huế thời gian qua và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh rút ra 8 bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa thời gian qua. Đó là phát huy tinh thần trách nhiệm, sự đồng thuận, ý thức tôn trọng và giữ gìn, bảo vệ giá trị văn hóa, di sản của Huế, của người dân. Người dân chính là chủ thể của văn hóa. Bên cạnh đó, tỉnh cần huy động nguồn lực để phát triển văn hóa; làm mới môi trường đầu tư bằng cách tạo sức bật cho các điểm đến; phát huy nội lực, khai thác cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển.
“Nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động văn hóa; khuyến khích, nuôi dưỡng nhân tài; tạo điều kiện để cá nhân và cộng đồng được tham gia sáng tạo và thụ hưởng văn hóa; tăng cường hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng… là vấn đề tiên quyết trong phát triển văn hóa, con người Huế”, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Thừa Thiên Huế cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng của văn hóa, con người cũng như khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người xứ Huế - nguồn lực nội sinh quan trọng nhất để hiện thực hóa khát vọng phát triển.
Sau gần 3 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 54, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương; cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả quan trọng. Hình hài của một đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” đang dần hiện hữu, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định.
Bài, ảnh: Anh Phong