Trong những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp trở lại thăm di chỉ khảo cổ hang Tằm, tại xã Lâm Sơn (Lương Sơn). Hang nằm ở quả núi đôi có 2 ngọn song song, đứng độc lập, gần sát cửa hang có dòng suối chảy qua. Hang Tằm là nơi cư trú của cư dân thời đại đồ đá thuộc văn hóa Hòa Bình.
Di chỉ khảo cổ hang Tằm, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) khai quật được nhiều hiện vật và là nơi cư trú của người tiền sử.
Cùng công chức văn hóa xã Lâm Sơn chúng tôi đến hang Tằm. Nhìn bên ngoài hang Tằm như một hàm ếch khổng lồ. Cửa hang mở ra trên một vách đá thẳng đứng, loang những vết trắng của đá vôi và có nhiều tảng đá lớn chặn lối. Trần hang cao dần từ trong ra ngoài, nền hang tương đối bằng phẳng, từ cửa hang đã thấy rất nhiều vỏ ốc vặn được xếp tầng, những hóa thạch trên đá, công cụ đá Hòa Bình và các vết tích in hằn trên vách đá, vòm hang.
Di chỉ khảo cổ hang Tằm được nhà địa chất người Pháp là bà Colani phát hiện, khai quật từ những năm 1930 - 1938. Kết quả khai quật và các hiện vật thu được cho thấy di chỉ hang Tằm là nơi cư trú của người tiền sử, thuộc hậu kỳ văn hóa Hòa Bình - hậu kỳ đồ đá giữa.
Tháng 1/1964, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cử đoàn sinh viên thực tập điều tra khai quật địa điểm hang Tằm. Trong đợt này, đoàn đã tìm thấy dấu vết cư trú và sinh sống của người nguyên thủy. Những công cụ bằng đá ghè đẽo thô sơ trên một mặt hoặc mài qua lưỡi và một số ít mảnh tước các loại dùng để chặt cây, đào đất, săn, giết thú, những vỏ ốc và mảnh xương là dấu tích của thức ăn, những vùng đất cháy và than tro là nơi đốt lửa, nấu nướng, sưởi ấm. Di chỉ có tầng văn hóa độc nhất, trong đó chủ yếu là ốc vặn và xương thú, trình độ hóa thạch thấp. Tầng văn hóa xốp, giữa các tầng văn hóa không có lớp vô sinh.
Qua các lần khai quật, hang Tằm thu được 851 hiện vật, trong đó có 843 công cụ đá, 8 công cụ xương chia thành 13 nhóm. Trong tổng số 851 công cụ, có 350 công cụ định hình, 493 công cụ không định hình, 683 công cụ ghè đẽo cẩn thận một mặt hoặc đôi khi cả gần hai mặt và 193 công cụ ghè đẽo thô sơ. Ở hang Tằm hoàn toàn không có gốm. Mặc dù trong tổng số hiện vật công cụ định hình tuy ít hơn công cụ không định hình, nhưng so với các di chỉ khác của nền văn hóa Hòa Bình thì tỷ số công cụ định hình ở đây khá cao, thêm vào đó công cụ được ghè đẽo cẩn thận chiếm 81%. Hiện nay, các hiện vật này được lưu giữ cẩn thận trong kho Khoa Lịch sử - trường Đại học Khoa học và Nhân văn Hà Nội.
Hang Tằm có thể xếp vào hậu kỳ văn hóa Hòa Bình. Về mặt địa tầng, hang Tằm là di chỉ văn hóa Hòa Bình, về cấu tạo địa chất cũng tương tự những di chỉ khác của nền văn hóa Hòa Bình. Những kết luận về địa tầng và cổ sinh vật cho phép khẳng định di chỉ hang Tằm vào hậu kỳ văn hóa Hòa Bình - hậu kỳ đồ đá giữa dựa vào loại hình công cụ. Di chỉ hang Tằm được phát hiện và nghiên cứu góp phần tìm hiểu về mối quan hệ giữa văn hóa Tây Bắc của Hòa Bình với các địa phương trong khu vực phía Bắc, soi sáng về kỹ thuật chế tác công cụ và cuộc sống người tiền sử.
Đỗ Hà