Gặp người viết nhật ký “Từ Khe Sanh đến Thành Cổ”

Cập nhật: 23/08/2022
Trong những năm tháng tham gia kháng chiến, ông Nguyễn Văn Hợi, nguyên Trợ lý Quân lực của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo, có thói quen ghi nhật ký hằng ngày và cuốn sổ đó đã được ông trân trọng giữ gìn với mong muốn sau chiến tranh, nếu may mắn còn sống trở về sẽ cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa. Qua mỗi trang viết của ông, thế hệ sau này có thể hình dung rõ nét những vất vả, hiểm nguy trên chặng đường hành quân, tình đồng chí, đồng đội thắm thiết keo sơn, lòng quả cảm và lý tưởng sống cao đẹp, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc của thế hệ cha anh.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị nhìn từ trên cao - Ảnh: H.T

Trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị (còn gọi là Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo) đã làm tròn nhiệm vụ giữ thành theo đúng lời thề “K3 - Tam Đảo còn, Thành Cổ Quảng Trị còn”… Mặc dù sống sót trở về sau chiến tranh nhưng ký ức về những năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi. Ông Hợi sinh ra và lớn lên ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi nhập ngũ, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc.

Sau này Tiểu đoàn K3 được tăng cường cho Tỉnh đội Quảng Trị và cái tên Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo đã đi vào lịch sử với thắng lợi trong các chiến dịch giải phóng Khe Sanh - Đường 9, 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

Ông Hợi hồi tưởng lại kỷ niệm những ngày đầu vào chiến trường Thành Cổ. “Mờ sáng ngày 10/7/1972, cả tiểu đoàn chúng tôi từ Nhan Biều vượt sông Thạch Hãn sang chốt giữ Thành Cổ Quảng Trị. Sở chỉ huy tiểu đoàn được đặt tại mép thành phía trong kế cổng tây. Đại đội 12, đại đội hỏa lực bố trí ở phía Tây Bắc, Đại đội 10 chốt giữ hướng Đông Bắc, Đại đội 11 chốt giữ hướng Đông Nam, còn Đại đội 9 chốt giữ phía Nam và Tây Nam thành. Ngày đầu tiên vào Thành Cổ, tiểu đoàn chúng tôi đã phải hứng chịu những trận bom, pháo dồn dập. Cả tiểu đoàn phải xây dựng hầm hào chiến đấu dưới mưa bom bão đạn và có hơn 30 đồng chí bị thương vong, trong đó có đồng chí đại đội trưởng Đại đội 12”.

Năm 2009, cuốn nhật ký “Từ Khe Sanh đến Thành Cổ Quảng Trị” được ông Hợi viết lại từ cuốn nhật ký chiến trường có sức sống kỳ diệu, đã cùng ông vượt qua những lần vào sinh ra tử trong 81 ngày đêm chốt giữ Thành Cổ. Với giá trị lịch sử đặc biệt, cuốn nhật ký “Từ Khe Sanh đến Thành Cổ Quảng Trị” của ông đã được hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và nhiều đơn vị, nhà trường quân đội, trở thành tài liệu giáo dục truyền thống lịch sử, tham khảo huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, giảng dạy bộ môn công tác đảng, công tác chính trị trong các đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi tâm sự: “Có những hy sinh của người lính mà bây giờ kể lại, thế hệ trẻ sẽ nghĩ là chuyện cổ tích. Như tấm gương của đồng chí Nguyễn Văn Khoát, bị thương vào đầu rất nặng. Trước khi chết, đồng chí nhớ chưa đóng đảng phí tháng 7. Thế là đồng chí lần tay xuống túi ngực, lấy số tiền đã thấm đẫm máu để trao cho đồng đội đóng đảng phí giúp mình.

Đồng chí Nguyễn Hữu Quyền nhận tiền đóng đảng phí giúp đồng đội sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hay người đồng đội của tôi, trước khi ôm cả chùm lựu đạn lao vào hầm đại liên của Mỹ còn hô lớn “Bác Hồ muôn năm”. Sau trận đánh, đồng chí cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Tất cả những điều đó, tôi đều chứng kiến và ghi lại trong cuốn nhật ký của mình”.

Trong hành trình trở lại chiến trường xưa sau 50 năm chiến thắng Thành Cổ, dừng chân bên Bến thả hoa bờ sông Thạch Hãn, người lính già Nguyễn Văn Hợi bùi ngùi cho biết, dưới lòng sông này là máu xương đồng đội ông đã vĩnh viễn nằm lại để bảo vệ nền hòa bình của dân tộc. Những ngày tháng chiến đấu khốc liệt đó, nhiều lần ông cùng với các đồng chí liên lạc ra bờ sông Thạch Hãn để đón anh em, đồng đội chi viện nhưng có những đêm không có một cái phao nào vào bờ cả.

Chỉ còn vang vọng trên dòng sông Thạch Hãn những tiếng kêu “mẹ ơi”, “chị ơi” chìm vào đêm tối rồi lặng im dưới đáy sông… “Các đồng chí ấy vẫn còn trẻ lắm, họ chỉ vừa mới rời bàn tay ôm ấp của người mẹ, người chị để vào chiến trường thôi…”, ông Hợi xúc động nói.

Trải qua 81 ngày đêm với lượng bom đạn dội xuống tương đương 7 quả bom nguyên tử, toàn bộ thị xã và Thành Cổ Quảng Trị bị san bằng. Hàng vạn chiến sĩ đã hy sinh với thân thể tan vào gạch đá, hòa quyện vào đất mẹ, cỏ cây và dòng sông Thạch Hãn.

Trước anh linh đồng đội của mình, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi không quên nhắn gửi đến thế hệ trẻ: "Các bạn trẻ hãy cố gắng một lần đến Thành Cổ, nhìn những bức tường còn nham nhở vết đạn bom để thấy được thế hệ đi trước đã sống và chiến đấu anh dũng như thế nào để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, bảo vệ nền hòa bình cho dân tộc Việt Nam…".

Thu Hạ

Nguồn: Báo Quảng Trị - baoquangtri.vn - Đăng ngày 22/08/2022