Những phát hiện trong quá trình khai quật phế tích tháp Châu Thành (Bình Định) sẽ cung cấp bằng chứng để làm rõ những tranh cãi lịch sử về kinh đô đầu tiên của vương quốc Lâm Ấp - giai đoạn khởi đầu lịch sử Chăm Pa tồn tại từ năm 192 đến khoảng năm 605, tại vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Ngày 18/8, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ phế tích tháp Châu Thành (thị xã An Nhơn, Bình Định) lần thứ 3, năm 2022.
Được biết, năm 2020, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp Viện Khảo cổ học khai quật tại phế tích Châu Thành, phát hiện mặt bằng hoàn chỉnh kiến trúc đền thờ "đá thiêng". Năm 2021, tiếp tục khai quật phế tích Châu Thành, kết quả xuất lộ tầng văn hóa dày với nhiều lớp kiến trúc chồng lấn lên nhau, phát triển liên tục từ sớm đến muộn, trải qua nhiều sự thay đổi về kiến trúc và tính chất.
Năm 2022, khai quật nhằm làm rõ mặt bằng kiến trúc xuất lộ từ 2 lần khai quật trước, qua đó nhận thức rõ hơn về tính chất, giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích này trong dòng chảy lịch sử.
Hiện vật tìm thấy trong đợt khảo cổ lần thứ 3 tại phế tích tháp Châu Thành (Ảnh: sggp.org.vn)
Theo đó, trong đợt khai quật lần 3 ở tháp Châu Thành, đơn vị khảo cổ phát hiện 3 kiến trúc mới của 2 giai đoạn lịch sử khác nhau, gồm: Di tích 2022.CT.II.TB01, di tích 2022.CT.II.TB02, di tích giai đoạn 3.
Quá trình khai quật, đơn vị khảo cổ phát hiện rất nhiều di vật, vật liệu kiến trúc, đồ đá, gồm: gạch, đầu ngói ống, ngói âm dương, mảnh gốm trang trí kiến trúc và điểm góc, đá ong… Ngoài ra, đơn vị khảo cổ còn tìm thấy nhiều mảnh tượng, mảnh bia ký, đồ gốm (gốm Chăm, gốm Việt), sứ, kim loại, đạn chì…
Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, chủ trì cuộc khai quật Thành Cha (Viện Khảo cổ học) cho biết, kết quả khảo cổ đợt 3 cũng đã cho ra nhiều manh mối để làm rõ, xác định quy mô chính thức tháp Châu Thành và vị trí của ngôi đền thờ chính. Qua các phát hiện có thể phán đoán phế tích này tồn tại kiến trúc tháp có quy mô lớn, phản ánh được cả giai đoạn lịch sử của 1 kinh đô người Chăm Pa xưa.
Về niên đại, đợt khảo cố thứ 3 cung cấp tư liệu để xác định được rõ niên đại sớm nhất phế tích tháp Châu Thành từ thế kỷ IV – VI. Kết quả khai quật tháp Châu Thành đã cung cấp thêm nhiều tư liệu lịch sử củng cố cho những tài liệu mà ngành khảo cổ học Việt Nam về nghiên cứu văn hóa Chăm Pa.
Tư liệu khảo cổ ở tháp Châu Thành có sự tương đồng với những phát hiện tại các công trình kiến trúc cổ tại thành Trà Kiệu (Quảng Nam), Cổ Lũy (Quảng Ngãi), thành Hồ (Phú Yên) minh chứng cho giai đoạn kéo dài 3 thế kỷ thống nhất về mặt lãnh thổ, quốc gia trọn vẹn lâu bền của người Chăm. Đặc biệt, tư liệu khảo cổ tìm thấy ở Châu Thành cho thấy ảnh hưởng từ rất sớm của văn hóa Ấn Độ vào đời sống tâm linh người Chăm…
Theo các nhà khảo cổ, qua 3 lần khai quật phế tích Châu Thành, có thể nhận định khu vực này từng là đền hoặc tháp Chăm, được xây dựng trong 2 giai đoạn, từ thế kỷ thứ 4 - 6 và thế kỷ 13. Đây là khu phế tích có vị trí quan trọng, nằm trong vùng lõi di sản văn hóa Champa tại Bình Định. Đoàn khảo cổ kiến nghị nên tiếp tục thực hiện khai quật tháp Chăm này, nhằm làm rõ quy mô, kết cấu tổng thể của di tích phần trung tâm….
Qua đây, kiến nghị Bình Định cần sớm xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích, trước mắt xếp hạng di tích cấp tỉnh tại tháp Châu Thành để làm cơ sở các khảo cổ, nghiên cứu tiếp theo.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Bình Định cho biết, thông qua kết quả khảo cổ này địa phương sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học và các ngành chuyên môn, nhà khoa học xây dựng, xếp loại di tích và tiếp tục nghiên cứu, khảo cổ, làm rõ các giá trị văn học, lịch sử, tôn giáo từ phế tích tháp Châu Thành./.
HN (t/h)