Không gian xanh, hoang sơ là nét độc đáo của du lịch xứ Lạng. Đây cũng là một trong những điểm nhấn, mắt xích quan trọng của sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc năm 2022.
Suối Mỏ Mắm - khu du lịch sinh thái “độc nhất vô nhị” xứ Lạng
Khu du lịch sinh thái Mỏ Mắm ở thôn Hoan Trung, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, nằm cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn khoảng 24km là sự kết hợp giữa vẻ đẹp kiệt tác của thiên nhiên và công sức cải tạo của con người. Suối Keng Tao (Mỏ Mắm) chính là linh hồn của khu du lịch Mỏ Mắm. Trước đây, khu vực này chỉ là một điểm du lịch hoang dã với con suối Keng Tao (suối Mỏ Mắm) là điểm nhấn. Kể từ đầu năm 2017, chỉ 4 tháng sau thi công, suối Mỏ Mắm đã thay da đổi thịt trở thành một điểm đến hấp dẫn và chính thức khai trương đón khách.
Cầu tình yêu trong Khu Du lịch Mỏ Mắm
Với diện tích rộng lớn lên đến 10.000m2, khu du lịch Mỏ Mắm được phân chia thành nhiều khu vui chơi và phục vụ. Bao gồm: bãi gửi xe, quầy phục vụ, khu suối tắm, bể bơi tắm tráng, khu vui chơi, nhà hàng với sức chứa gần 200 khách, cùng nhiều khu vực nghỉ chân, bàn uống nước lợp mái lá che vô cùng độc đáo. Tất cả làm nên một khu du lịch sinh thái “độc nhất vô nhị” xứ Lạng.
Tại Khu du lịch sinh thái Mỏ Mắm, du khách đi tới bất cứ đâu cũng sẽ thấy tiếng suối róc rách chảy trong từng khe núi. Dòng nước trong veo mà mát lạnh chính là điểm nhấn độc đáo mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào. Du khách có thể đắm mình trong làn nước mát lạnh hoặc bơi thuyền tham quan xung quanh. Bắc ngang qua dòng suối là cầu Tình yêu màu đỏ độc đáo được trang trí bằng những chiếc ô xinh xắn như bảy sắc cồng vồng. Cầu Tình yêu là điểm check-in được yêu thích nhất tại đây. Bạn có thể tha hồ ngắm dòng suối từ trên cao và tạo dáng sống ảo.
Hang động Keng Tao cũng là một điểm khám phá cực kỳ thú vị, đây là khu vực thượng nguồn của con suối Mỏ Mắm với chiều dài hang lên đến hơn 400m. Bên trong hang động là hệ thống nhũ đá tự nhiên gồm hai tầng hang nước và hang khô, các giếng trời và hệ sinh thái thực vật phong phú.
Sau những giây phút tham quan khám phá đầy thú vị, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi và uống nước tại những chòi lá ngay bên bờ suối. Đặc biệt tại đây còn phục vụ những món ăn đặc sản của núi rừng xứ Lạng như gà rừng quay, gà om gừng nghệ, thịt nướng các loại,...
Du khách vào tham quan động Keng Tao
Trải nghiệm không gian xanh trong vườn quýt hang Hú
Vườn quýt hang Hú thuộc thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn từ lâu đã là địa điểm thu hút khách thập phương gần xa. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc nên thơ mà còn hấp dẫn bởi loại quýt vàng ươm, căng mọng. Mùa quýt tại đây thường kéo dài từ cuối tháng 11 tới tháng 1 năm sau.
Đường dẫn tới vườn quýt hang Hú khá thoáng và dễ đi, nhưng lối vào bên trong vườn có phần khó khăn hơn với những phiến đá cheo leo ở độ cao 5-7m. Len lỏi giữa các bậc đá là thảm thực vật, cây dây leo, cây rừng hoang sơ. Cửa hang Hú, lối vào duy nhất của vườn quýt có tuổi đời trên 30 năm trong lân đá. Sau khi vượt qua các vách đá, một không gian xanh hiện lên ngay trước mắt du khách. Không gian trong veo với hàng trăm cây quýt tỏa bóng mát, toàn bộ không gian tại đây mang cảm giác mát lành, thoải mái vô cùng. Anh Hoàng Quang Phiệt, chủ sở hữu vườn quýt cho biết, bố mẹ anh bắt đầu trồng gần quýt từ năm 1980. Điều này bắt nguồn từ việc thấy khu vực này còn hoang sơ nên có ý định trồng lương thực. Năm 1986, hai người bắt đầu trồng khoai sọ, dong riềng. Được khoảng 1 năm, sau chuyến đi tới xã Nhất Hòa, Bắc Sơn, ông đã bắt đầu gieo những hạt quýt đầu tiên. Khi thấy thu hoạch hơn hẳn so với khoai, dong riềng, gia đình quyết định chuyển hẳn sang trồng quýt. Tới năm 2015, chuyến thăm thú đồi Mâm Xôi, Yên Bái khiến anh nảy sinh ý tưởng kết hợp trồng trọt và du lịch.
Du khách nghe giới thiệu về vườn quýt hang Hú
Trước năm 2017, vườn quýt hang Hú cũng giống như bao mô hình khác tại Bắc Sơn, chủ yếu phục vụ việc trồng trọt. Doanh thu hàng năm cũng chỉ đạt 150 triệu. Từ khi triển khai mô hình kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, tổng thu gia đình nhờ đó tăng lên gấp đôi với 11.000 lượt khách. Sau khi cải tạo đường tới các điểm thanh quan, số lượt khách ước tính lên tới 16.000 lượt. Hiện nay, hang Hú đã nuôi trồng khoảng 600 cây quýt. Để du khách có thêm chỗ nghỉ ngơi, thưởng thức đặc sản địa phương, gia đình đã cải tạo và dựng thêm lán ở khu vực lối vào vườn quýt. Các lán được sắp xếp tinh tế bên cạnh tảng đá, dưới những tán cây. Một là để râm mát hơn, hai để không phá hỏng cảnh quan chung. Đồng thời, du khách cũng có cơ hội thưởng thức quýt miễn phí, đi vào sâu hơn, du khách sẽ chiêm ngưỡng được toàn cảnh hàng trăm cây quýt trải dài qua sườn đồi thoải. Đây cũng là nơi lý tưởng để du khách check in thỏa thích. Bên cạnh thưởng thức quýt Bắc Sơn, du khách còn có cơ hội khám phá đỉnh hang Hú, tham quan vườn cây, núi non, nếm thử hương vị bánh chưng đen, xôi nếp nướng, lợn quay… Được biết, khi xảy ra đại dịch COVID-19 vườn quýt rất vắng khách, khi dịch COVID-19 được kiểm soát khách đến khám phá vườn quýt đông vào dịp cuối tuần.
Theo anh Hoàng Quang Phiệt, với kế hoạch phát triển thời gian tới, nơi đây sẽ được hoàn thiện lối xuống, các biển chỉ dẫn, tạo thêm các không gian hoa. Phần đỉnh núi cũng được tạo thêm một số cảnh quan đẹp mắt, một thác nước cũng được đầu tư để du khách thư giãn hoặc tắm mát. “để thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm vườn quýt, thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc liên kết cùng các công ty lữ hành, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp để nơi đây sẽ là điểm dến hấp dẫn của du lịch Lạng Sơn”, anh Phiệt mong muốn.
Trong hành trình “Kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”, các doanh nghiệp lữ hành đã khảo sát, tìm hiểu những điểm đến độc đáo, đậm nét hoang sơ của xứ Lạng. Các địa danh du lịch tại Lạng Sơn là điểm khởi đầu của chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc và công bố sản phẩm du lịch liên kết vùng năm 2022. Tại đây, trong khuôn khổ chương trình, đoàn cũng đã đi tham quan, khảo sát một số điểm du lịch cộng đồng và Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn.
|
Tuấn Hải