Quảng Ninh: Bắt nhịp xu hướng du lịch nghỉ dưỡng

Cập nhật: 30/08/2022
Không nằm ngoài xu hướng du lịch chung của cả nước, những năm gần đây, du lịch nghỉ dưỡng của Quảng Ninh đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tận dụng tối đa lợi thế, thế mạnh quang cảnh thiên nhiên của từng vùng để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Thời điểm này các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã sẵn sàng mang đến nhiều sản phẩm hấp dẫn, tạo nên sự sôi động cho thị trường du lịch dịp lễ 2/9 và dịp cuối năm.

Du khách tập Yoga tại Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử.

Ưu tiên phát triển các sản phẩm đẳng cấp

Với nhiều ưu thế, hiện nay du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo báo cáo của Market Insight Solutions (đơn vị nghiên cứu thị hiếu của người dùng tại Ấn Độ), thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu trị giá đến 728,17 tỷ USD trong năm 2019, dự kiến sẽ đạt mức 1,29 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Thị trường này sẽ có mức tăng trưởng kép hằng năm 7,4% trong 7 năm tới. Trong đó, châu Á sẽ là nơi ngành công nghiệp này bùng nổ, với trên 257 triệu chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe, đạt doanh thu hơn 136 tỷ USD.

Đối tượng thị trường khách du lịch chăm sóc sức khỏe hiện nay chủ yếu là những người trung niên, có mức thu nhập cao, có trình độ, tập trung ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ, cụ thể: Mỹ, Pháp, Đức, Áo và Nhật. Dự báo trong tương lai, châu Á, Trung Đông và Mỹ La tinh sẽ là những thị trường tiềm năng.

Khu nghỉ dưỡng Suối khoáng Yoko Onsen Quang Hanh mang đậm phong cách Nhật Bản.

Tại Quảng Ninh, tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cũng rất lớn. Không chỉ có nhiều bãi tắm đẹp và thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, Quảng Ninh còn sở hữu Vịnh Hạ Long - một trong những kỳ quan thiên nhiên thế giới đã được công nhận. Sức hấp dẫn của Vịnh Hạ Long chính là nguồn nội lực chất lượng để Quảng Ninh có thể khai thác, tận dụng phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, còn có nguồn tài nguyên như nước khoáng nóng thiên nhiên để tái tạo sức khỏe, chữa bệnh; hệ thống di tích lịch sử đa dạng với nhiều chùa, tịnh xá cùng hệ thống thiền viện đặc sắc, cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng. Đặc biệt, trong thời gian qua, Quảng Ninh đã phát triển, đầu tư bài bản nhiều khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, qua đó tạo điều kiện tối đa để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Điển hình như Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh. Đây là khu nghỉ dưỡng cao cấp chuẩn Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam. Nơi đây được thiết kế như ngôi làng truyền thống của Nhật Bản với hệ thống 27 bể tắm áp dụng những công nghệ lọc tiên tiến bậc nhất thế giới. Công dụng của nguồn khoáng nóng Quang Hanh thậm chí còn được tối đa hóa với đa dạng các loại hình dịch vụ bổ trợ như xông hơi đá nóng, xông nóng, xông lạnh, spa kiểu Nhật… kết hợp cùng nét văn hóa ẩm thực, văn hóa đặc sắc của Nhật Bản để giúp du khách có thể thư giãn, chăm sóc sức khỏe cũng như có nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

Tận dụng tối đa tiềm năng thiên nhiên, ngành du lịch Quảng Ninh còn khai thác các giá trị quý giá về địa chất, địa mạo của Vịnh Hạ Long để phát triển dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe đặc thù. Cụ thể, Tập đoàn du thuyền và khách sạn cao cấp Paradise Việt Nam đã hợp tác với Học viện Thiền quốc tế IMA triển khai hải trình “Sức khỏe vàng” thông qua việc tham quan, lưu trú trên vịnh 2 ngày 1 đêm để nâng cao sức khỏe.

Theo bà Phi Thị Thu Khuyên, Giám đốc Marketing của Tập đoàn du thuyền và khách sạn cao cấp Paradise Việt Nam, hải trình “Sức khỏe vàng” của đơn vị được thiết kế với các bài thiền chuyên sâu về thư giãn, chú trọng thở chậm, sâu sẽ giúp cải thiện tối đa các vấn đề về sức khỏe như đau mỏi vai gáy, stress, tăng đề kháng, đẩy lùi bệnh tật, đặc biệt là hồi phục sức khỏe, tổn thương hậu Covid-19. Việc triển khai sản phẩm du lịch mới này cùng hoạt động hấp dẫn như chèo thuyền kayak, tham quan hang động, tắm biển, tận hưởng spa, bar, bể sục... sẽ giúp kích cầu, thu hút du khách đến với Vịnh Hạ Long.

Thực tế, du lịch chăm sóc sức khỏe đang dần trở thành một trong những định hướng chiến lược của nhiều đơn vị, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao. Như tại Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử, các công trình tại đây được lấy cảm hứng từ không gian văn hóa độc đáo, mang bản sắc riêng của Việt Nam như: Làng nương Yên Tử, cổng Khai tâm, vườn Hoa tâm, cung Trúc Lâm… với chất liệu tường cổ bằng trấu, nội thất bằng đồng, gỗ, đá mang đến cảm giác thư giãn, yên bình cho du khách. Hiện Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử đang phát triển các dịch vụ: Ngâm chân thảo dược sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa; các lớp yoga và thiền (thiền trầm, thiền trăng, ngâm chú tiếng Phạn…); sản phẩm trị liệu tâm hồn, cảm xúc.

Du khách tắm nước khoáng nóng tại Khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh.

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Sau dịch Covid-19, tỷ lệ lấp đầy phòng của Khu nghỉ dưỡng luôn đạt 50-60%, dịp cuối tuần là 90%. Phần lớn du khách đến đây đều tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các lớp thiền chuyên sâu, chú trọng và nâng cao chất lượng dịch vụ spa, đưa vào thực đơn dinh dưỡng đặc thù.

Cùng với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, nhiều khách sạn, tàu lưu trú du lịch tại Quảng Ninh cũng cung cấp các dịch vụ như: Thể dục dưỡng sinh trên tàu, tắm dược liệu, massage dược liệu, massage chân... để mang đến tối đa những trải nghiệm cho du khách.

Đưa du lịch nghỉ dưỡng "lên ngôi"

Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực, nhưng trên thực tế du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ ở Quảng Ninh còn khá mới mẻ, chủ yếu là kết hợp với các loại hình du lịch khác như nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi, du lịch đô thị. Vì vậy sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, cũng như xúc tiến quảng bá, phát triển thị trường đối với dòng sản phẩm này cũng chưa được thực hiện hiệu quả, bài bản. Trong khi, loại hình này đã trở thành thương hiệu của nhiều nước trên thế giới.

Như tại Ấn Độ, với thế mạnh về những bài trị liệu tinh thần và thể chất bằng yoga, các phương thuốc y học cổ truyền, thiên nhiên, quốc gia này đã phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe toàn diện, tạo ra các tour du lịch chăm sóc sức khỏe trọn gói, mang lại trải nghiệm đặc biệt với những hiệu quả rõ rệt về cải thiện cho du khách sau tour du lịch. Du lịch chăm sóc sức khỏe đưa Ấn Độ trở thành điểm đến cung cấp sản phẩm này với mức tăng trưởng nhanh nhất đạt 22%/năm.

Với mục tiêu phát triển dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, Ấn Độ đưa ra chiến lược thu hút những dòng khách du lịch chăm sóc sức khỏe cao cấp, hạng sang, từ đó dòng khách bình dân sẽ tự tăng theo xu hướng. Nhiều điểm đến chăm sóc sức khỏe cao cấp được phát triển liên tục, hiện Bộ Du lịch Ấn Độ đã xây dựng những quy chuẩn về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, cấp chứng chỉ chuyên môn cũng như kiểm soát chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Còn tại Nhật Bản, với tiềm năng về nguồn suối nước khoáng nóng phong phú, đa dạng, nên việc tắm nước khoáng nóng được coi như là truyền thống từ lâu đời. Nắm bắt xu hướng phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe, Nhật Bản đã sử dụng hệ thống onsen (dịch vụ tắm nước nóng và chăm sóc sức khỏe) và ryokan (khu lưu trú tại suối nước nóng) như là một sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe nổi bật để giới thiệu tới khách du lịch quốc tế.

Các khu nước khoáng nóng nổi tiếng được quảng bá rộng rãi trên các website về du lịch với các ngôn ngữ quốc tế. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng của các cơ sở suối khoáng nóng, Ủy ban Môi trường Nhật Bản có quy định về việc các cơ sở này phải nộp mẫu nước để xét nghiệm 10 năm một lần và thông báo kết quả này tới các khách hàng.

Du khách trải nghiệm hải trình “Sức khỏe vàng” trên thuyền Paradise tại Vịnh Hạ Long.

Để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trở thành đặc thù, hiện nay ngành du lịch Quảng Ninh đã nghiên cứu và đưa ra những định hướng phát triển cụ thể.

Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ hình thành các khu vực có thể phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe như các khu resort chăm sóc sức khỏe trong rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (TP Hạ Long), hướng tới du khách yêu thích kiến trúc cổ, các món ăn hữu cơ, thiền và trị liệu thảo dược; hợp tác xây dựng khu nghỉ dưỡng sang trọng, gần gũi với thiên nhiên tại các đảo trên Vịnh Bái Tử Long, Cô Tô... cung cấp dịch vụ spa, yoga, thiền chăm sóc sức khỏe; mở rộng không gian đến các huyện miền núi Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên... phát triển loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe mang bản sắc văn hóa địa phương như tắm lá, trị liệu thảo dược. Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu xây dựng các khu nghỉ dưỡng, viện dưỡng lão đẳng cấp quốc tế tại Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí...

Để thực hiện được mục tiêu đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cũng cần phát triển các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng, thu hút, có giá trị gia tăng cao; phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe đáp ứng các nguyên tắc phát triển bền vững, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương; quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phát huy thế mạnh của tài nguyên du lịch từng địa phương, đồng thời tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương.

Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu về sản phẩm phù hợp với thị hiếu, tâm lý và sở thích của các nhóm đối tượng thụ hưởng; đánh giá nguồn lực phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và bài bản; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến về những đặc trưng, thế mạnh của Quảng Ninh đối với sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tới các thị trường tiềm năng...

Hoàng Quỳnh

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quảng Ninh - quangninh.gov.vn - Đăng ngày 29/08/2022