Sáng 6/9, tại Ninh Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tỉnh Ninh Bình tổ chức kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972), với chủ đề "50 năm tới - Di sản thế giới, nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: Duy Linh)
Tới dự có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO); lãnh đạo Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; đại sứ các nước là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới; đại diện các địa phương có di sản và cộng đồng dân cư trong vùng di sản ở Ninh Bình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: Duy Linh)
Phát biểu chào mừng lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, Ninh Bình là vùng đất Cố đô, nơi phát tích 3 triều đại: Đinh-Tiền Lê-Lý; có truyền thống lịch sử, văn hóa; có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới giúp Ninh Bình thêm cơ hội giới thiệu về vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; về con người Cố đô hiền hòa, thân thiện, thanh lịch và hiếu khách.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Duy Linh)
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Công ước về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, là công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chỉ di sản thế giới, mà còn bảo vệ di sản văn hóa quốc gia”.
Việt Nam là thành viên của tổ chức UNESCO từ năm 1976, tham gia Công ước di sản thế giới từ năm 1978. 35 năm qua, Việt Nam là thành viên tích cực tại các diễn đàn của UNESCO về di sản thế giới, đặc biệt đã ký kết bản ghi nhớ giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2016-2020.
Đồng chí yêu cầu, các địa phương có di sản cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam-UNESCO, hướng tới mục tiêu gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Duy Linh)
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: “Lễ kỷ niệm được tổ chức với mục đích "kép". Đó là kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản thế giới. Thứ hai là kỷ niệm 35 năm Việt Nam thực thi công ước này. 35 năm qua, Việt Nam có 8 di sản được ghi danh là Di sản thế giới”.
Bà Audrey Azoulay ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên.
Đây chính là lý do UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.
Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ; cần đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng đáng có; cần coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ở Việt Nam và như mô hình mẫu mực của Tràng An.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Duy Linh)
Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam và đại diện cộng đồng dân cư tại Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An phát biểu, tham luận cần làm rõ hơn trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực và thế giới.
Tin: Lê Hồng, Yến Trinh; Ảnh: Duy Linh