Sáng 7/5/2009, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia mạng lưới Khu Bảo tồn biển Việt Nam đã họp để đánh giá những kết quả thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009. Theo thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các Khu Bảo tồn biển (LMPA) không chỉ tập trung hỗ trợ các Khu Bảo tồn biển đã được thành lập lâu năm như Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang
mà cả những Khu Bảo tồn biển (KBTB) mới thành lập như Phú Quốc nhằm giúp các KBTB này triển khai các hoạt động hỗ trợ đáp ứng nhu cầu sinh kế bền vững của các cộng đồng sinh sống bên trong và xung quanh các KBTB.
Ông Phạm Trọng Yên, Giám đốc Hợp phần LMPA cho biết, thời gian qua, thực hiện hợp phần còn gặp một số khó khăn, trong đó sự phối hợp giữa cơ quan quản lý thuỷ sản tại địa phương với các KBTB còn hạn chế. Vấn đề sinh kế cho cộng đồng ngư dân là vấn đề khó khăn nhất, trong khi LMPA chỉ có khả năng hỗ trợ chứ không thể là nguồn tạo sinh kế mới thay cho sinh kế truyền thống là khai thác hải. Không những thế, một số hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cần thời gian dài để triển khai, tuy nhiên thời gian của Hợp phần chỉ còn hơn một năm nên dẫn đến những khó khăn nhất định.
Để nâng cao hiệu quả của hợp phần, lãnh đạo Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiến nghị giữ lãi suất 0,4%/tháng đối với các hộ vay; cho phép tăng mức vay đối với các chủ hộ lặn lên 20 triệu đồng. Còn đối với các Ban quản lý KBTB, đề nghị chủ động bố trí nguồn lực, chủ động thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tuân thủ các quy định về thời gian thực hiện các hoạt động và chế độ báo cáo. Đối với các địa phương được bổ sung hệ thống phao như Phú Quốc, Cù Lao Chàm, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kết hợp thường xuyên kiểm tra, bảo vệ phao ngay từ khi lắp đặt phao.
Ông Phạm Trọng Yên cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng để một KBTB có thể tồn tại và hoạt động hiệu quả chính là xây dựng một cơ chế tài chính bền vững. Nguồn thu từ hoạt động thu phí thăm quan du lịch chính là một nguồn tài chính lâu dài và bền vững và cũng là một đóng góp quan trọng của phát triển du lịch đối với công tác bảo tồn biển. Hợp phần này do Cơ quan hợp tác phát triển của Đan Mạch (Danida) tài trợ có thời gian thực hiện từ 2006-2010 với tổng kinh phí là 28,5 triệu Curon (tương đương với gần 4,5 triệu USD); trong đó, vốn nước ngoài là 26 triệu Curon và vốn đối ứng trong nước là 2,5 triệu Curon. Mục tiêu phát triển của hợp phần này là nhằm giúp Việt Nam phát triển hơn nữa mạng lưới các Khu Bảo tồn biển (dự kiến sẽ có 15 khu) góp phần bảo vệ các sinh cảnh có giá trị và đa dạng sinh học gắn liền với các sinh cảnh đó ở vùng nước biển và ven biển mà không phương hại đến nhu cầu sinh kế của người nghèo và các cộng đồng dễ bị tổn thương.