Mục tiêu của quy hoạch này là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước với vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung, có kết cấu hạ tầng hiện đại. Đặc biệt là xây dựng Đà Nẵng thành đô thị du lịch ven biển chất lượng cao, tập trung phát triển dịch vụ - du lịch và phấn đấu đến năm 2020 đạt danh hiệu “Thành phố môi trường”.
Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc nói không với ô nhiễm, khuyến khích ngành công nghiệp không khói và không nước thải; hạn chế đến mức tối đa các doanh nghiệp đầu tư ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là gần khu dân cư và khu du lịch; khuyến khích các chủ đầu tư khu công nghiệp mời gọi các dự án sạch, ít gây ô nhiễm môi trường; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 cần phải gắn với 08 giải pháp quan trọng. Đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; thể chế hóa về bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội; tăng cường nguồn lực và áp dụng các biện pháp kinh tế trong công tác bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến cơ bản trong đầu tư bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa các mối quan hệ mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội; tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ trong bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo dự kiến, đến năm 2020, Đà Nẵng đầu tư thêm 32 khu du lịch với tổng diện tích trên 2.500ha. Với mật độ phát triển du lịch khá cao như vậy và nếu thiếu sự quan tâm đúng mức tới vấn đề bảo vệ môi trường ở các khu du lịch sẽ xảy ra những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao như ô nhiễm rác thải, ô nhiễm nước thải sinh hoạt… trong đó rác thải sinh hoạt của du khách là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Một số nơi rác thải không được thu gom, sau đó thải trực tiếp ra biển, làm mất vệ sinh, mỹ quan khu du lịch và các khu vực lân cận. Chính điều này đã khiến chất lượng du lịch bị giảm sút, kéo theo sự giảm sút của hiệu quả kinh tế du lịch.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển Đà Nẵng đến năm 2020 việc lồng ghép các vấn đề môi trường, các vấn đề xã hội vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố từ nay đến năm 2020 không chỉ có ý nghĩa về mặt quy định của pháp luật mà còn là một yêu cầu thiết thực của sự phát triển Đà Nẵng một cách bền vững và cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường khu du lịch.
(TTTTDL)