Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã chủ trì cuộc họp bàn về phương án tổng thể cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch do Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày.
Phương án này được xây dựng trên nguyên tắc lấy cải tạo chất lượng nước sông làm trọng tâm; lấy mục tiêu xây dựng đô thị sinh thái làm phương phướng cải thiện sinh thái của dòng sông và hai bờ sông;
đồng thời bảo đảm duy trì cần bằng nước; không cống hóa để dòng sông không chỉ là dòng chảy thoát nước mà còn có chức năng cải thiện vi khí hậu, hấp thụ khí bụi thải đồng thời giữ gìn ý nghĩa lịch sử của dòng sông đối với thành phố.
Theo đó, phương án đề xuất việc xây dựng các trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ kết hợp với xử lý nước thải tại nguồn thay cho phương án xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung qui mô lớn đang được nghiên cứu.
Việc xây dựng các trạm xử lý nước thải qui mô nhỏ trên từng đoạn sông được gắn liền với hệ thống hơn 10 cửa xả lớn (đường kính từ 300 đến 1.800mm) hiện có. Tùy theo lưu lượng nước tại các cửa xả sẽ thiết kế các trạm xử lý công xuất phù hợp với từng cửa xả hoặc một số cửa xả gần nhau. Các trạm xử lý này xây ngầm hoặc bán ngầm nhằm tiết kiệm diện tích đất và không ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực. Đối với các cửa xả trung bình (đường kính từ 300 đến 1.500mm), sẽ thu gom từng đoạn chuyển về trạm xử lý nước thải như các cửa xả lớn. Nước sau xử lý sẽ được dùng vào việc tưới cây, vườn hoa dọc hai bờ sông và bổ cập đều đặn cho dòng chảy.
Việc xử lý tại nguồn sẽ áp dụng với nước thải sinh hoạt từ các hộ dân trên lưu vực. Hóa chất, chế phẩm vi sinh sẽ được dùng vào việc xử lý nước thải đen (từ bể phốt) tại từng gia đình trước khi thải ra cống chung. Phương án này dễ dàng áp dụng trên diện rộng, chi phí thấp , có thể thực hiện theo công thức “đổi rác đã phân loại tại các gia đình lấy chế phẩm”. Nhưng các chế phẩm này không xử lý được nước thải xám (nguồn thải từ nhà bếp, nhà tắm, máy giặt…)
Đối với các dự án, công trình nhà ở, chung cư, văn phòng xây mới đều phải áp dụng công nghệ xử lý nước thải triệt để, thay cho sử dụng bể phốt truyền thồng, bảo đảm nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Đối với nước thải công nghiệp, y tế, làng nghề sẽ kiểm soát chặt chẽ, buộc doanh nghiệp, nhà đầu tư áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn; áp dụng các biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm.
Phương án này cũng đề xuất giải pháp bổ cập nước cho sông Tô Lịch từ Hồ Tây, các hồ điều hòa và từ sông Hồng (theo hướng khai thông dòng chảy cũ hoặc đầu nối thông qua sông Nhuệ).
Để cải tạo môi trường cảnh quan sinh thái của dòng sông và hai bên bờ sông, phương án tập trung vào giải pháp tăng cường dải cây xanh hành lang và phủ xanh bãi ven sông; thiết kế cảnh quan vườn hoa, bãi cỏ, tiểu cảnh kết hợp làm sạch nước bằng các bãi lọc cây thủy sinh, đường dạo bộ, cầu đi bộ, đường xe đạp, công viên ven sông. Việc kè bờ sông, các vườn hoa , bãi cỏ, đường dạo …tiếp tục triển khai đồng bộ, triệt để và tăng tính thẩm mỹ.