Doanh nghiệp hiến kế phát triển du lịch Miệt Thứ - Kiên Giang

Cập nhật: 16/09/2022
Trong chuyến khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại hai huyện An Biên và An Minh, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiến kế giúp địa phương xây dựng sản phẩm du lịch, thu hút du khách.

Tiềm năng bỏ ngỏ

Sau chuyến khảo sát thực tế, các doanh nghiệp có chung nhận định, du lịch hai huyện An Biên và An Minh có tiềm năng phát triển. Một số nơi khai thác du lịch tự phát, chủ yếu là khách lẻ, chưa kết nối với các công ty du lịch, thiếu thông tin về sản phẩm và các dịch vụ đi kèm, giao thông đi lại còn khó khăn…

Theo ông Lý Thừa Lợi - Giám đốc Công ty Du lịch Golden Beach Rạch Giá, hai huyện An Biên, An Minh có thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ và nhiều lễ hội văn hóa thu hút khách du lịch. “An Biên có thể khai thác hình thức du thuyền trên sông Cái Lớn, nghe đờn ca tài tử kết hợp tham quan, thưởng thức sản phẩm OCOP của địa phương; khám phá rừng, biển; tham gia lễ hội tại địa phương… Tuy nhiên, để khai thác sản phẩm du lịch này cần nhiều yếu tố, nhất là sự đầu tư hạ tầng giao thông đến các điểm, tạo sản phẩm có sức hút mới có thể cạnh tranh được với địa phương khác”, ông Lợi nói.

Doanh nghiệp du lịch nhận định, hai huyện An Biên và An Minh có thể thu hút nhà đầu tư để phát triển du lịch thành tour du lịch như tham quan bàu sò, thưởng thức hải sản tươi sống, hòa mình trải nghiệm cùng thiên nhiên… “Tôi ấn tượng với khu vực rừng Tiểu khu 34 ở huyện An Minh. Đây là điểm có thể kết nối, khai thác du lịch nhưng câu chuyện thương hiệu khiến du lịch nơi này chưa được nhiều người biết đến và chưa thu hút du khách”, ông Du Tố Tuấn - Giám đốc Vietravel Chi nhánh Rạch Giá chia sẻ. 

Xây dựng sản phẩm, khai thác du lịch Miệt Thứ thế nào?

Việc khai thác lợi thế phát triển du lịch hai huyện An Biên và An Minh theo lãnh đạo các địa phương còn khó khăn. Trong đó, có nhiều nguyên nhân như giao thông huyết mạch tỉnh lộ nhỏ hẹp; một số tuyến đường đến các điểm có tiềm năng phát triển du lịch chưa được đầu tư mở rộng; thiếu nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, mua sắm phục vụ nhu cầu của khách du lịch; chưa xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ hoạt động du lịch của địa phương; nguồn ngân sách dành cho việc phát triển du lịch hạn chế...

Du khách check-in trong rừng Tiểu khu 34, huyện An Minh (Kiên Giang).

Kế hoạch phát triển du lịch hai huyện An Biên và An Minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định: Khảo sát, đánh giá về tài nguyên du lịch, đánh giá khả năng thu hút, hấp dẫn khách du lịch, trên cơ sở đó có định hướng quy hoạch các khu, điểm du lịch để mời gọi đầu tư khai thác phục vụ du lịch ở các loại hình tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử truyền thống, du lịch sinh thái rừng tràm, du lịch cộng đồng…

Để giải quyết bài toán cho du lịch huyện An Biên và An Minh, doanh nghiệp du lịch cho rằng, ngoài việc sớm quy hoạch vùng phát triển du lịch gắn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các địa phương xác định loại hình du lịch thế mạnh, đặc thù để có hướng đầu tư; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết các trung tâm du lịch trong và ngoài tỉnh để hình thành tour, tuyến đến các điểm du lịch địa phương.

“An Minh có thể khai thác khu vực rừng Tiểu khu 34 ở loại hình sinh thái kiểu chọn một hộ dân làm trước. Du khách đến đó sẽ trải nghiệm đi ăn ong, gác kèo ong, giăng lưới, đặt lờ cùng người dân và thưởng thức ẩm thực giữa rừng... Khi người dân thấy lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại cùng tham gia, khi đó địa phương quy hoạch các hộ dân làm du lịch theo hướng mỗi hộ một sản phẩm”, ông Du Tố Tuấn nói.

Các doanh nghiệp du lịch nhấn mạnh vai trò truyền thông trong việc thu hút khách du lịch đến các địa phương. Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng - Trưởng Phòng Marketing, Truyền thông Tập đoàn Phú Cường Kiên Giang cho rằng, các địa phương có tiềm năng để khai thác, kêu gọi thu hút đầu tư du lịch nhưng còn thiếu quảng bá. Có thể sản phẩm du lịch địa phương chưa hoàn chỉnh song với các câu chuyện về lịch sử, văn hóa bản địa sẽ là nội dung tốt để truyền thông về vùng đất, con người Miệt Thứ cho người ngoài địa phương. Sau này, khi địa phương tung sản phẩm du lịch ra thị trường sẽ dễ được đón nhận.

Còn theo ông Lý Thừa Lợi,  An Minh có thể hình thành tour trong ngày khá hấp dẫn, đó là trải nghiệm, khám phá khu vực rừng Tiểu khu 34; khám phá dòng sông Trẹm thơ mộng và trải nghiệm làm tranh vỏ tràm. Địa phương cần có một đầu tàu để tổ chức, dẫn dắt thực hiện việc hình thành, phát triển các dịch vụ trên.

Về lâu dài, các doanh nghiệp gợi ý địa phương tăng cường liên kết không gian du lịch, sản phẩm, thị trường du lịch; khuyến khích nhà đầu tư chiến lược đầu tư, hình thành khu du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, trung tâm mua sắm, giải trí… Ngoài ra, các địa phương tận dụng giá trị tài nguyên thiên nhiên để tạo sản phẩm du lịch cụ thể và có sự khác biệt, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: Trung Hiếu

Nguồn: Báo Kiên Giang - baokiengiang.vn - Đăng ngày 11/09/2022