Lan tỏa thông điệp bảo vệ thiên nhiên

Cập nhật: 19/09/2022
Những hình ảnh sống động về cặp cá voi khổng lồ kiếm ăn ở vùng biển Đề Gi (Bình Định), về “đại gia đình” voọc chà vá chân nâu quấn quýt bên nhau trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), hay những loài chim đẹp mắt và quý hiếm sải cánh giữa không trung... được các nhiếp ảnh gia kỳ công ghi lại và chia sẻ, đã góp phần nâng cao hiểu biết của công chúng về thế giới muôn loài và truyền cảm hứng tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên hoang dã.

Tác phẩm “Voọc chà vá chân nâu” của nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng).

Chụp đời sống hoang dã là một thể loại khó, nhưng đang phát triển mạnh trong giới nhiếp ảnh Việt Nam những năm gần đây. Tháng 8 vừa qua, hiện tượng cá voi liên tục xuất hiện gần các cửa biển ở hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học trong nước và nước ngoài, cũng như các nghệ sĩ nhiếp ảnh và du khách. Theo Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp, loài cá voi lưng xám này có tên là Bryde, nằm trong sách đỏ thế giới về các loài bị đe dọa tuyệt chủng và cần được bảo vệ.

Việc cá voi quý hiếm đến vùng biển này sinh sống là một tín hiệu đáng mừng cho công tác nghiên cứu và bảo tồn môi trường biển. Không bỏ lỡ dịp đặc biệt, nhiều tay máy từ khắp cả nước cũng tìm đến “săn” ảnh cá voi, như nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng), Bùi Thanh Trung (Quảng Ngãi), Ngô Trần Hải An (Thành phố Hồ Chí Minh)... Theo chân các đoàn chuyên gia hoặc ngư dân, nhiều ngày lênh đênh trên biển, họ phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt. Đổi lại, những bộ ảnh tuyệt đẹp về khoảnh khắc mẹ con cá voi tung tăng bơi lội, đớp mồi... lan tỏa mạnh mẽ trên nhiều kênh truyền thông, mạng xã hội đã đánh thức tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên của người xem.

Ở Đà Nẵng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10km) với gần 1.000 loài thực vật và hàng trăm loài động vật đặc hữu, là nguồn cảm hứng vô tận cho các tay máy theo đuổi thể loại chụp động vật hoang dã, nhất là loài voọc chà vá chân nâu hiện chỉ còn vài trăm cá thể. Những người yêu Sơn Trà đã thành lập câu lạc bộ “Sơn Trà mãi xanh” từ năm 2018, hoạt động sôi nổi với nhiều hình ảnh quý về động, thực vật Sơn Trà.

Nhiếp ảnh gia Dương Đức Khánh, một quản trị viên diễn đàn này cho biết: Gần như tuần nào cũng vậy, bất kể mưa nắng hay công việc bận rộn, anh đều sắp xếp lên Sơn Trà để chụp ảnh thiên nhiên. Nhờ đóng góp của nhiều thợ “săn” ảnh, Sơn Trà giờ đây được biết đến không chỉ là “nhà” của loài voọc, mà còn là “thiên đường” của nhiều loài chim di cư trên thế giới.

Anh Huỳnh Văn Truyền, Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Đà Nẵng, gia nhập cuộc chơi ảnh thiên nhiên hoang dã được vài năm. Đầu tháng 9, tác phẩm “Voọc chà vá chân nâu” của anh đoạt Huy chương vàng FIAP chủ đề “Thiên nhiên” của cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế Aladag 2022 tại Thổ Nhĩ Kỳ, do Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh thế giới FIAP bảo trợ tổ chức. Huỳnh Văn Truyền khẳng định, chụp ảnh thế giới tự nhiên đòi hỏi công sức và chi phí rất lớn, nếu không có đam mê thì khó mà trụ được.

Đồ nghề “săn” ảnh không chỉ là các loại thiết bị chụp ảnh, ống kính hiện đại, mà còn phải có trang phục đi rừng, lều bạt, thuốc men... Người chụp ảnh cần tìm hiểu kỹ về tập quán của các loài chim, thú và phải có kỹ năng ẩn mình, tránh thú dữ hay xử lý vết thương. Và trên tất cả là sự tập trung và kiên nhẫn, chấp nhận việc đôi khi mất vài ngày, thậm chí cả tháng chỉ để “bắt” được một khoảnh khắc.

Từ tâm huyết và kiến thức về chụp ảnh động vật hoang dã, có những nhiếp ảnh gia còn trở thành nhà bảo tồn thiên nhiên. Chẳng hạn như tác giả Tăng A Pẩu, chủ nhân của bộ sưu tập ảnh chụp hơn 500 loài chim Việt Nam, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như hạc cổ trắng, sếu đầu đỏ, khướu Ngọc Linh, gà lôi hồng tía... Ở độ tuổi ngoài 60, ông đã rong ruổi qua những cánh rừng từ bắc vào nam, có nhiều bộ ảnh quý hiếm về cuộc sống ban đêm của thú rừng hoang dã, giá trị.

Nổi bật trong sự nghiệp của ông là kho ảnh và định danh hơn 500 loài chim, đóng góp lớn cho nhiều tài liệu khoa học về đa dạng sinh học ở Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung, như sách “Các loài chim Việt Nam 2021”, “Atlas Vườn quốc gia Cát Tiên 2021”... Ông cho biết: “Bảo vệ môi trường là vấn đề “nóng” của toàn nhân loại. Bằng khả năng của mình là nhiếp ảnh, tôi muốn giới thiệu đến cộng đồng những vẻ đẹp của tự nhiên, những điều thú vị của muôn loài. Hiện tôi là quản trị viên của bảy fanpage về môi trường, rừng, chim muông... trên mạng xã hội, hoạt động không lợi nhuận và kêu gọi ủng hộ của cộng đồng để đưa những hình ảnh, thông điệp ý nghĩa giúp mọi người cảm nhận và hiểu rõ hơn về giá trị của rừng, của thiên nhiên”.

Mới đây, nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu được mời làm diễn giả trong hội thảo khoa học chuyên đề về các loài chim cú Việt Nam do Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức. Sắp tới, ông cũng được mời tham gia sự kiện chào mừng Ngày Chim di cư 2022 diễn ra vào tháng 10 tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) với sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Có thể nói, nghệ thuật nhiếp ảnh đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường hành động bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Ngày càng nhiều cuộc thi, triển lãm ra đời, được nhiều ban, ngành, địa phương tổ chức, thu hút đông đảo lực lượng cầm máy, như các cuộc thi “Ảnh về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam”, “Ảnh đẹp thiên nhiên Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát (Tây Ninh)”, “Vẻ đẹp đa dạng của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), “Ảnh về môi trường và đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng”... Bằng tác động thị giác sinh động, mỗi bức ảnh kể một câu chuyện về sự phong phú và đặc trưng của thiên nhiên các vùng miền Việt Nam, góp tiếng nói kêu gọi sự quan tâm và nỗ lực bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân.

Hải Lâm

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 19/9/2022