Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 (tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm), đã phát triển quy mô thành sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia của hàng trăm quốc gia, hàng triệu lượt người trên toàn cầu thông qua các hoạt động trọng tâm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022, Bộ đề nghị các đơn vị, địa phương phát động các phong trào như ra quân làm vệ sinh môi trường; trồng cây; cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư, vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch. Các tỉnh quan tâm giải quyết những vấn đề môi trường tại địa phương như thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh kế người dân. Địa phương, sở ngành thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các quy định mới. Lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Môi trường sinh thái trong lành ở Hòa Thắng, Bắc Bình.
Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hóa, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân... trong các hoạt động mua sắm, tiêu dùng để giảm thiểu, hạn chế tối đa sử dụng túi ni lon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; tăng cường thay thế, sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thu hồi các sản phẩm thải bỏ, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Thụy Khanh