Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa... tỉnh Hà Giang định hướng xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với chất lượng dịch vụ tốt nhất, thân thiện với môi trường.
Hà Giang sở hữu nhiều thắng cảnh hùng vĩ như: đỉnh Tây Côn Lĩnh, cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pí Lèng, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì... cùng nhiều khu rừng tự nhiên, suối nước nóng và các di tích nổi tiếng như: Di tích kiến trúc nghệ thuật dinh nhà Vương, chùa Sùng Khánh... là điều kiện thuận lợi để địa phương này thúc đẩy du lịch.
Toàn tỉnh hiện có 19 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 90%. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo, phong phú. Nhiều lễ hội truyền thống gắn với các sự kiện thường niên đã từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang, điển hình như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội Khèn Mông…
Tỉnh Hà Giang phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển
Bên cạnh đó là những lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phục dựng như: Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông… Các ngành chức năng cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Hiện nay, tỉnh Hà Giang có 35 Làng văn hóa du lịch cộng đồng trong đó có 16 Làng văn hóa du lịch cộng đồng theo Đề án “Bảo tồn các Làng văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các Làng văn hóa du lịch cộng đồng” giai đoạn 2020 - 2025 đang phục vụ du khách hiệu quả. Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, du lịch cộng đồng hiện đem lại thu nhập bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/ năm/hộ làm dịch vụ, trong đó có những hộ doanh thu đạt 200 triệu đồng/năm.
Tỉnh cũng nâng cấp một số làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu để nhân rộng như: Làng văn hóa Lô Lô Chải (văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu kiến trúc truyền thống dân tộc Lô Lô), Làng văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm (theo tiêu chuẩn ASEAN); Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (mô hình hoạt động hợp tác xã du lịch). Làng văn hóa du lịch thôn Chì, thôn Tha, thôn Hạ Thành (văn hóa đặc trưng dân tộc Tày); Làng văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm Trên (văn hóa truyền thống dân tộc Mông); Làng văn hóa du lịch thôn Nậm Hồng (văn hóa truyền thống dân tộc Dao Đỏ)...
Trong những năm qua, nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên trong phát triển du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, như các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Đề án về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc...
Các làng du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa đặc biệt là các nghề truyền thống đang thu hút đông đảo du khách . Ảnh: BHG
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện đang khai thác; đồng thời nghiên cứu khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách quốc tế và đẩy mạnh thu hút khách nội địa... Trong đó, tỉnh định hướng đầu tư xây dựng điểm đến mới với 13 Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các sản phẩm du lịch khác hình thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Cụ thể: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Vai gắn với Lễ hội chợ phong lưu Khâu Vai. Khu du lịch Mê cung đá kết nối với tuyến du lịch lòng hồ thủy điện Bảo Lâm 1; Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Sảng Pả A gắn với dệt thổ cẩm của người Lô Lô; Làng văn hóa du lịch cộng đồng Cốc Pảng gắn với khu du lịch Du Già theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu đô thị du lịch, trung tâm dược liệu chăm sóc sức khỏe, trang trại nghỉ dưỡng homestay đặc sắc; Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nậm Lương (Quản Bạ) gắn với bảo tồn Văn hóa dân tộc Bố Y.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Phiêng Luông gắn với văn hóa dân tộc Mông và du lịch sinh thái thủy điện lòng hồ Bắc Mê; Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khuổi My gắn với văn hóa dân tộc Dao áo chàm và ruộng bậc thang; Bảo tồn và xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Pà Thẻn thôn Minh Thượng gắn với phát triển Quần thể du lịch Tân Lập Xanh, xã Tân Lập.
Tỉnh Hà Giang định hướng phát triển các làng du lịch văn hóa cộng đồng gắn với các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng
Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tân Sơn (Bắc Quang) gắn với văn hóa truyền thống dân tộc Dao và danh thắng quốc gia Thác Thí; Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình) gắn với du lịch sinh thái, mạo hiểm hang Pó Mỳ; Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Na Léng gắn với danh thắng ruộng bậc thang xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì).
Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Tày thôn Quảng Hạ gắn với suối khoáng nóng Nậm Choong; Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Nùng kiểu mẫu thôn Nấm Ngà, xã Cốc Rế (Xín Mần); Triển khai dự án Làng văn hóa du lịch phức hợp đa trải nghiệm OASIS Mã Pì Lèng với chức năng bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông gắn với các sản phẩm hỗ trợ khai thác giá trị danh thắng Mã Pì Lèng.
Nhằm thúc đẩy du lịch trong đó có du lịch cộng đồng phát triển, tỉnh Hà Giang đề cao sự tham gia của người dân và đưa người dân trở thành chủ thể phát triển du lịch. Đồng thời, liên kết chặt chẽ về quyền lợi, nghĩa vụ giữa Nhà nước, người dân tham gia làm du lịch, doanh nghiệp du lịch và nhà tư vấn.
Các ngành phối hợp với địa phương tổ chức đào tạo, định hướng cho người dân làm du lịch cộng đồng; hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng thông qua các hình thức ưu đãi vay vốn ngân hàng; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với những nét văn hóa đặc trưng của địa phương, hạn chế sự trùng lặp, sản phẩm du lịch giống nhau; coi trọng chất liệu truyền thống để xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng...
Tỉnh đang hướng đến phát triển các dịch vụ mới phục vụ du khách; mở rộng các sản phẩm cho du khách trải nghiệm; xây dựng cơ chế, chính sách về bảo tồn văn hóa truyền thống, kiến trúc nhà ở; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng; quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch nhằm thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hình ảnh du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang.
Trần Hải