Trong thời đại 4.0, nhiều người dân ở huyện Bắc Sơn đã nhanh chóng bắt kịp thời cuộc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, giới thiệu hoặc hỗ trợ du khách tìm kiếm các thông tin về dịch vụ du lịch một cách nhanh chóng, dễ dàng. Việc này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình vừa truyền cảm hứng cho cộng đồng về ứng dụng chuyển đổi số trong đời sống.
Ở tuổi ngoài 70, lại sinh sống ở vùng nông thôn của một huyện miền núi, dân tộc, cứ ngỡ ông Dương Công Chài, dân tộc Tày, trú tại xã thôn Nà Riềng, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn hẳn là phải “lạc hậu” trong việc sử dụng công nghệ thông tin. Nào ngờ, khi tiếp xúc mới hay, ông sử dụng mạng xã hội thuần thục không chỉ để phục vụ mục tiêu giao lưu, kết nối thông tin với mọi người mà còn như một giải pháp để quảng bá, tìm nguồn khách hàng đến với Homestay của gia đình.
Ông Dương Công Chài và nhiều gia đình ở Bắc Sơn đã sử dụng thành thạo mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu về cơ sở Homestay của gia đình mình
Ông Chài trước đây từng là cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn. Ông nghỉ hưu đã 12 năm và được bầu làm người có uy tín của thôn Nà Riềng. Ông là người đầu tiên mang mô hình Homestay về quê sau khi nghỉ hưu.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng nơi ông Chài sinh sống gần Quốc lộ 1B, có cảnh đẹp mê hoặc lòng người, với những thảm lúa xanh ngắt lúc thì con gái, rồi lại chuyển sang màu vàng rực khi bước vào mùa thu hoạch. Nơi đó, núi tiếp núi trùng trùng điệp điệp, mây mờ che phủ non cao, dẫn lối du khách vào cõi “bồng lai tiên cảnh”.
Hầu như toàn bộ cư dân trong làng là người dân tộc Tày. Họ sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống được lợp ngói âm dương mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Tất cả các ngôi nhà đều quay về hướng Tây Nam. Làng còn có cả đội văn nghệ chuyên biểu diễn hát Then - đàn Tính đậm bản sắc văn hóa dân tộc vào các buổi tối để phục vụ khách du lịch. Với khí hậu mát mẻ, người dân hiền hòa, ẩm thực phong phú nên từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách, trong đó có rất nhiều khách quốc tế đến từ Mỹ, Úc, Canada, Ucraina…
Bức tranh đa màu của núi rừng Bắc Sơn luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới thăm quan, trải nghiệm
Trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy đến, ngôi nhà cổ xây dựng từ năm 1939 nay đã được sửa sang trở thành Homestay của nhà ông Chài đón khoảng 100 lượt khách/tháng. Thu nhập từ dịch vụ nghỉ ngót nghét 80 - 90 triệu đồng, nếu tính cả dịch vụ ăn uống thì khoảng 200 triệu đồng/năm…
Hai năm 2020, 2021, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Homestay không có khách. Năm nay, dịch bệnh được khống chế, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, hai vợ chồng ông bà quyết định đẩy mạnh trở lại dịch vụ du lịch cộng đồng.
Cách mà ông Chài quảng bá và mời khách tới với làng mình, nhà mình là sử dụng mạng xã hội. Mọi thông tin liên quan đến dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi, giải trí… đều được ông chia sẻ công khai lên mạng xã hội. Như ông nói, nhờ cách làm không mất phí này, Homestay đã bắt đầu có khách trở lại, đánh dấu thời kỳ phục hồi đầy triển vọng sau đại dịch.
Thuộc thế hệ 9X nên Dương Công Cồ - chủ nhân của BacSonHomestay còn sử dụng mạng xã hội để quảng bá, mời gọi khách tới lưu trú tại nhà mình sớm hơn cả ông Chài. Từ năm 2015, Cồ đã quảng bá trên Facebook; năm 2018, tiếp tục quảng bá trên Zalo. Cồ còn tận dụng cả Agoda, Booking - những trang web chuyên về đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ để khách nước ngoài tiện liên hệ, đặt phòng, sử dụng dịch vụ của Cồ.
Sớm ứng dụng chuyển đổi số đã giúp Cồ đạt tỷ lệ khách đến với BacSonhomestay thời kỳ trước khi dịch bệnh COVID-19 ập đến thông qua nền tảng Facebook lên tới 70%; 30% lượng khách còn lại nhờ nền tảng Zalo. Hiện nay, tỷ lệ khách có được từ hai nền tảng này đạt 50/50 - ông chủ trẻ chia sẻ.
Cồ nhận xét, tận dụng mạng xã hội trong kinh doanh dịch vụ du lịch mang lại rất nhiều lợi ích. Một là không mất phí quảng bá và đây là thế mạnh lớn nhất. Hai là giảm chi phí quảng cáo cho homestay trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống trong khi vẫn lôi kéo được khách du lịch đến với mình. Vậy nên, Cồ quyết định sẽ tiếp tục tận dụng các mạng xã hội khác như TikTok, Instagram để mở rộng việc làm ăn của mình.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng nhưng người dân cần có thời gian để thay đổi, thích ứng với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch
Chị Hà Trang, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh tâm sự, nghe danh Bắc Sơn đã lâu nên có nguyện vọng muốn được một lần đến đây thăm quan, trải nghiệm. Do xa xôi, cách trở, nên trước khi bắt đầu hành trình, chị phải tìm hiểu rất kỹ thông tin về dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ, các sản phẩm du lịch ở Bắc Sơn được cập nhật rất thường xuyên các trang Facebook, Zalo của các gia đình làm dịch vụ du lịch cộng đồng. Nhờ đó, chuyến đi rất thành công.
Ông Dương Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách sống, cách làm việc của mọi người theo hướng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt của đời sống xã hội. Để thúc đẩy du lịch phát triển, trước tiên, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ du khách tiếp nhận thông tin và các dịch vụ du lịch của nơi mình muốn đến một cách thuận tiện, dễ dàng.
Tại Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2022 về giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng đẩy nhanh chuyển đổi số là một trong 6 vấn đề ngành cần tập trung.
Ngày 12/5/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phát động triển khai nền tảng "Công dân số xứ Lạng". Nền tảng “Công dân số Xứ Lạng” là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng và tiên phong chuyển đổi số vào các lĩnh vực của đời sống.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia của toàn dân, người dân phải là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của chuyển đổi số.
Thực hiện chủ trương về chuyển đổi số của Trung ương và hưởng ứng triển khai nền tảng "Công dân số xứ Lạng" của tỉnh, huyện Bắc Sơn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những hộ tham gia làm du lịch cộng đồng tiếp tục thay đổi tư duy, phương thức, quy trình hoạt động theo hướng đưa cơ sở dữ liệu sản phẩm đến trực tiếp với khách hàng thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, thúc đẩy xu hướng du lịch không tiếp xúc, bà Dương Thị Thép - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn nói.
Những người đã nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin và đạt được hiệu quả khả quan trong việc làm ăn như ông Chài, anh Cồ sẽ truyền cảm hứng cho việc thúc đẩy chuyển đổi số vào lĩnh vực du lịch ở địa phương. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, người dân vốn quen với làm nông, làm ruộng, làm vườn nên cần có thời gian để thay đổi, thích ứng dần với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, ông Dương Đình Đường - Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh nói.
Với những bước đi ban đầu nhưng đúng hướng trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động du lịch, Bắc Sơn đang phấn đấu trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng./.
Bài, ảnh: Phương Liên