Để cho du lịch sinh thái và du lịch văn hóa ở Tây nguyên phát triển bền vững

Cập nhật: 21/05/2009
Du lịch Tây Nguyên có thế mạnh riêng để hấp dẫn du khách. Những năm gần đây doanh thu về du lịch của các tỉnh Tây Nguyên đang tăng nhanh và chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Các tỉnh Tây Nguyên đều định hướng: Từ nay đến 2015 phải xây dựng được một ngành du lịch phát triển bền vững.

Du khách muốn đến với bất cứ loại hình du lịch nào, các tỉnh Tây Nguyên cũng có khả năng đáp ứng, kể cả du lich mạo hiểm, leo núi, săn bắn... Nhưng thế mạnh bậc nhất của du lịch Tây Nguyên vẫn là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.

 Du lịch ở Tây Nguyên có những thế mạnh riêng đầy thu hút khách đến. Nhiều địa danh đã từng nổi tiếng bấy lâu nay, đã đi vào lòng du khách trong và ngoài nước như  cao nguyên Lang Biang, hồ Tuyền Lâm, thác Đam Bri, rừng Cát Tiên, chùa Linh Sơn, Thiền viện Trúc Lâm... (ở Lâm Đồng), Bản Đôn, Hồ Lắc, VQG Yôk Đôn, Chư Yang Sin, Tháp Chàm Ea Súp, Nhà đày Buôn Ma Thuột... (ở Đắc Lắc), Biển Hồ, VQG Kon Ka Kinh, làng voi Nhơn Hòa... (ở Gia Lai).
 
 Tây Nguyên với cả một không gian văn hóa rộng lớn trải dài từ bắc Tây Nguyên xuống Nam Tây Nguyên, có hàng trăm sinh hoạt văn hóa độc đáo, có nhiều loại hình nghệ thuật, kiến trúc dân gian có một không hai trên đất nước ta, ví như nhà rông ở Gia Lai, nhà dài ở Đắc Lắc, rồi tượng nhà mồ, lễ đâm trâu, lễ cúng bến nước, lễ mừng mùa, các làn điệu dân ca, các điệu múa, các nghệ nhân hát kể sử thi... trong hầu hết các dân tộc bản địa như Ê Đê, Gia Rai, M'nông, Xê Đăng, Ba na...
 
 Du khách muốn đến với bất cứ loại hình du lịch nào, các tỉnh Tây Nguyên cũng có khả năng đáp ứng, kể cả du lich mạo hiểm, leo núi, săn bắn... Nhưng thế mạnh bậc nhất của du lịch Tây Nguyên vẫn là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Bấy lâu nay các tỉnh Tây Nguyên cũng đã khai thác những thế mạnh này để phục vụ du khách. Nhưng việc đầu tư cho các thế mạnh này còn chưa đủ, thậm chí có nơi chỉ khai thác những gì có sẵn mà chẳng đầu tư gì và đang để mai một, tàn lụi. Đây chính là chỗ cần nói, cần bàn trong phát triển du lịch bền vững ở Tây Nguyên.
 
 Có thể khẳng định cả du lịch sinh thái và du lịch văn hóa ở Tây Nguyên đều gắn bó vói rừng. Không có rừng thì Tây Nguyên chẳng còn du lịch sinh thái. Không có rừng thì không gian văn hóa Tây Nguyên cũng mất. Các nhà nghiên cứu về Tây Nguyên đã chỉ ra rằng: Rừng và con người bản địa Tây Nguyên có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau. Rừng không chỉ là điều kiện sinh tồn mà còn là cõi linh thiêng, là không gian văn hóa để từ đó sinh ra thần rừng, thần cây, sinh ra tượng nhà mồ, nhà rông, nhà dài, sinh ra những truyền thuyết, sử thi và biết bao lễ cúng, nhen nhóm giữa lòng người những niềm tin dẫu u ẩn, mơ hồ...
 
 Không có rừng thì liệu có còn những tour du lịch sinh thái trên cao nguyên Lang Biang, các VQG Chư Yang Sin, Yôk Đôn, Kon Ka Kinh... nữa hay không? Chắc chắn là những mỏm đồi trơ trọi, những suối nước khô khốc, những thác nước cạn kiệt, những trận cuồng phong ào ào cuồn cuồn bụi đỏ ba zan sẽ chẳng hấp dẫn được ai. Chắc chắn khi không còn rừng sẽ không còn tiếng chim thánh thót, không còn tiếng lá rì rào tâm sự, không còn không khí trong lành để giữ chân du khách ở lại với cao nguyên. Lúc ấy còn đâu những tour du lịch sinh thái!
 
 Không có rừng thì cũng chẳng còn không gian cho văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Cùng với sự mất rừng đang diễn ra với tốc độ cao trong những năm gần đây thì văn hóa truyền thống Tây Nguyên cũng đang bị mai một hoặc bị biến dạng một cách nhanh chóng. Nhiều buôn làng không còn người biết đánh chiêng, không còn người biết cầu cúng thần linh, không còn người biết kể khan (sử thi), hàng ngàn bộ cồng chiêng đã biến thành đồng nát, hàng ngàn tượng nhà mồ bị mục nát theo thời gian, nhưng không còn người biết đẽo tượng nhà mồ mới hoặc không còn gỗ để đẽo.
 
 Những năm gần đây nhà nước đã quan tâm hơn đến văn hóa truyền thống Tây Nguyên, cho lập nhiều dự án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bên cạnh những mặt tốt, những việc làm hay có giá trị bảo tồn và phát huy thực sự, thì cũng có không ít những cán bộ dự án, những cán bộ "văn hóa quần đùi" (chữ dùng của GS-TS Tô Ngọc Thanh) đã làm biến dạng không ít văn hóa truyền thống Tây Nguyên, trở thành món "văn hóa Tây Nguyên giả cầy" để kiếm chác từ các dự án và đánh lừa những du khách thiếu hiểu biết.
 
 UNESCO đã rất tinh tế và rất có lý khi công nhận "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Họ đâu có công nhận riêng cái cồng cái chiêng với một số bài bản của nó là kiệt tác. Cái "không gian" mà họ công nhận dĩ nhiên là có không gian rừng. Chính vì ở trong không gian đó mà con người bản địa đã sản sinh ra cái cồng cái chiêng để làm "kẻ môi giới", làm phương tiện thông tin với nhau, với thần linh, với thế giới ngoài con người; từ không gian rừng đầy bí ẩn và linh thiêng đó mới có các lễ cúng, lễ cầu...
 
 Vậy nhưng bây giờ cồng chiêng đã được sân khấu hóa, thương mại hóa, đang bị đi xa dần giá trị truyền thống của nó. Nhiều lễ cúng, lễ cầu một phần bị "sân khấu hóa"... Chính vì vậy nhà văn Nguyên Ngọc - một người rất am hiểu về văn hóa Tây Nguyên xưa và nay - từng phải thốt lên "Cần biết bi quan cho văn hóa Tây Nguyên".
 
 Như vậy, rõ ràng là cả hai thế mạnh của du lịch Tây Nguyên là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa đều đang bị tấn công từ nhiều phía, khiến nó đang mai một, biến dạng dần. Nếu rừng không được bảo vệ, nếu văn hóa truyền thống Tây Nguyên không được bảo tồn đúng nghĩa, điều đó sẽ cản trở sự phát triển du lịch bền vững ở Tây Nguyên.

Vì thế phát triển du lịch bền vững ở Tây Nguyên phải bắt đầu từ đâu, làm gì? Rất cần những hành động thiết thực, cụ thể của chính quyền các cấp và người dân tại các tỉnh Tây Nguyên.

Nguồn: LĐ