Sẽ triển khai 18 dự án bảo vệ lưu vực sông Cầu

Cập nhật: 29/05/2009
Tại phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu ngày 28/5/2009, các đại biểu đã thông qua Danh mục dự án bảo vệ và phát triển bền vững sinh thái, cảnh quan lưu vực sông này. Theo đánh giá, hiện môi trường nước của lưu vực sông Cầu diễn biến rất phức tạp và ngày càng xấu đi, đặc biệt ở những đoạn sông chạy qua khu đô thị, công nghiệp, làng nghề.

Theo đó, danh mục này gồm 18 dự án, gồm những phần phòng ngừa, xử lý ô nhiễm và khắc phục suy thoái ô nhiễm môi trường; đảm bảo dòng chảy và cải thiện môi trường; tăng cường khung chính sách và năng lực quản lý; điều tra cơ bản, quan trắc và thông tin môi trường; tăng cường khung chính sách và năng lực quản lý; đào tạo và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường…


Những dự án này được xác định trong giai đoạn từ 2010 đến 2012.

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong năm 2008, các tỉnh thành viên đã tổ chức các hoạt động để từng bước làm sạch con sông Cầu. Đó là: kiểm soát ô nhiễm, kiểm tra và thanh tra, xử lý khắc phục ô nhiễm, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng… Tuy đã có nhiều cố gắng và thành quả, song vẫn chưa đạt so với yêu cầu chung.

Ông Hiển đề nghị các địa phương phải triệt để xử lý những đơn vị gây ô nhiễm và phải xử lý trên toàn lưu vực chứ không làm riêng từng tỉnh. Ngoài ra, cần xã hội hóa môi trường, các địa phương phải lồng ghép việc bảo vệ môi trường vào một số chương trình, dự án khác để thúc đẩy công tác này.

Trong số các sông đang bị nguy cơ ô nhiễm nặng, sông Cầu được sự quan tâm rộng rãi vì nhiều lý do, trong đó sông Cầu là chi lưu quan trọng nhất của hệ thống sông Thái Bình và là cái nôi nuôi dưỡng những làn điệu dân ca Quan họ nổi tiếng trong và ngoài nước.

Sông Cầu bắt nguồn từ phía nam đỉnh Phia Bioóc (cao 1.578m) thuộc huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn. Sông chảy qua địa phận Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, rồi hợp lưu với sông Thái Bình tại Phả Lại (Hải Dương). Những chi lưu chính của nó là sông Công, sông Đu và sông Cà Lồ. Lưu vực sông Cầu rộng 6.030km2, dòng chính dài 290km, có 26 phụ lưu, nằm trong vùng mưa lớn (1.500-2.700m/năm) của Bắc Kạn và Thái Nguyên.

Cũng giống như nhiều con sông có lưu vực rộng lớn, chảy qua những địa bàn có nhiều tụ điểm dân cư sinh sống, vấn đề ô nhiễm nước sông Cầu đang đặt trước tình trạng báo động khẩn cấp. Những cánh đồng, những nương rẫy, đồi chè bạt ngàn hai bên sông Cầu được chăm bón bằng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, lượng dư thừa đổ vào lưu vực sông Cầu khoảng 33%. Nhiều doạnh nghiệp đang xả trực tiếp nước thải ra sông Cầu, kể cả các nhà máy trong Khu công nghiệp Sông Công ở Thái Nguyên. Ngoài ra còn rất nhiều điểm khai khoáng với quy mô nhỏ, đều trực tiếp hay gián tiếp xả nước thải vào hệ thống sông Cầu.

Có khoảng 200 làng nghề nằm rải rác hai bên sông cũng đang ngày đêm hoà vào sông lượng nước thải lớn, hầu hết chưa qua xử lý. Theo thống kê của Cục Bảo vệ Môi trường trên lưu vực sông Cầu hiện có trên 2.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với các nghề như luyện kim, chế biến thực phẩm, chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng v.v...

 

(TTTTDL)

Nguồn: VnMedia