Cù lao Chàm hôm nay đang hào hứng trong tầm thế mới, cùng thế giới bảo toàn môi trường sống của trái đất, với vai trò là một khu dự trữ sinh quyển của nhân loại...
Ngày 26/5/2009, Uỷ ban Điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển của UNESCO đã bỏ phiếu thuận với tỷ lệ khá cao, chính thức công nhận Cù lao Chàm và Mũi Cà Mau của Việt Nam là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Việc Cù lao Chàm và Mũi Cà Mau được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là niềm tự hào, đồng thời đặt ra trách nhiệm rất nặng nề trong việc bảo vệ môi truờng tự nhiên.
Tròn 10 năm sau ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hoá thế giới, bây giờ Cù lao Chàm được biết đến như điểm du lịch sinh thái tuyệt vời giữa biển. Trong quá khứ, quần thể đảo Cù lao Chàm đóng vai trò tiền cảng của Thương cảng Hội An. Cù lao Chàm hôm nay đang hào hứng trong tầm thế mới, cùng thế giới bảo toàn môi trường sống của trái đất, với vai trò là một khu dự trữ sinh quyển của nhân loại... Đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới duy nhất hiện nay gắn giữa thiên nhiên với không gian đô thị. Phạm vi Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm với gần 40.000 ha, được khoanh đến tận đô thị cổ Hội An với mô hình sinh quyển - con người - văn hoá.
Để gìn giữ được những bãi biển trong xanh và hệ sinh vật biển nguyên sơ ở Cù lao Chàm không phải đến từ những dự án bạc tỉ, quy định pháp luật khô khan mà từ sự hợp lực ý thức của người dân. Có một thời những cây làm thuốc quý như mã tiền, sơn máu, ngũ gia bì, đặc biệt hai loài cây thuốc nam quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam là cỏ nhung và trầm hương... đứng trước mũi rựa chực chờ của nhiều người. Thảm thực vật sinh học của rừng bị đe dọa. Hơn ai hết, người dân Cù lao Chàm biết rằng 90% diện tích của xã đảo là rừng, núi và nếu không bảo vệ nó chỉ còn là đảo trọc. Rồi vấn nạn rác thải ở xã đảo này, nếu không có hướng xử lý tích cực, môi trường sống của thảm thực vật, động vật phong phú trên bờ, dưới biển cũng bị đe doạ. Một động thái tích cực hiện nay của người dân trên đảo đó là đang bỏ dần thói quen sử dụng bao nilon trong mua bán và sinh hoạt, thay thế bằng vật dụng dễ tiêu huỷ. Tất cả phụ nữ trên đảo đi chợ đều sử dụng làn nhựa hoặc làn tre. Người bán hàng tại chợ hay đồ lưu niệm gói hàng cho khách bằng túi giấy hoặc túi nilon sản xuất từ chất liệu dễ tiêu huỷ. Làm được điều này là cả một sự thay đổi lớn về ý thức của cộng đồng cư dân trên đảo. Anh Nguyễn Tấn An, người dân ở thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp bày tỏ: “Cứ tưởng tượng là một ngày nào đó lặn xuống biển không thấy san hô mà toàn là bao nilon hay rác rưởi là điều không ai muốn. Cho nên, ngay từ bây giờ, khi còn chưa quá muộn, mỗi người đều phải có ý thức bảo vệ môi trường. Tất cả mọi người cùng thực hiện thì môi trường biển Cù lao Chàm sẽ được bảo vệ. Không riêng chúng tôi là dân Hội an mà cả Việt Nam mình, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới thì đó là điều đáng mừng, vừa đánh giá được chúng ta sống có ý thức với môi trường, mà bản thân chúng ta cũng được hưởng lợi”.
Giờ đây, ngay khi rời tàu cao tốc hay ca nô đặt chân lên cầu cảng, du khách đến với Cù lao Chàm được hướng dẫn nộp lại tất cả bao, túi nilon, được cấp phát những vật dụng để đựng bằng chất liệu dễ phân huỷ. Anh Hoàng Ngọc Quang, du khách đến từ Quảng Ninh nhận xét: ”Theo tôi đây là một hoạt động rất có ích bởi vì một vùng biển đảo xanh, sạch, đẹp như thế này thì không có lý do gì chúng ta lại làm bẩn nó. Nhất là khi Cù lao Chàm trở thành khu Dự trữ sinh quyển thế giới thì đây là những hoạt động rất có ý nghĩa, du khách và người dân cần nhận thức được đó cũng là trách nhiệm của mình”.
Mỗi năm, hàng chục ngàn tấn rác thải trên đảo không thể xử lý bằng cách chôn lấp. Rác thải sinh hoạt được phân loại ngay tại gia đình, đóng gói bằng những bao nilon sản xuất bằng chất liệu dễ phân huỷ. Hàng ngày, mỗi thôn trên đảo có một đội thu gom rác thải vận chuyển ra địa điểm qui định. Ngoài 5 thuyền thúng với những nhân viên chuyên làm nhiệm vụ vớt rác trên biển, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hội An đầu tư kinh phí, sắm mới hai tàu vận chuyển rác từ Cù lao Chàm về đất liền xử lý. Ông Trần Văn Hiền, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường thành phó Hội An cho biết, thành phố chỉ đạo cho xã thành lập các đội tự quản, đưa vào hương ước từng thôn qui định xử lý rác thải, từ đó người dân thực hiện. Hàng tuần liên tục có những chuyến tàu ra vận chuyển rác vào đất liền. Công ty công trình công cộng thành phố cũng sẽ có xe chở rác tại bến khi tàu vào bờ, chở đi ngay chứ không để lưu cữu tránh ô nhiễm. Đây là một mô hình tốt và có thể nhân rộng cho các xã, phường trong đất liền!”.
Chuyện cư dân trên đảo và du khách thực hiện thành công khẩu hiệu “Nói không với bao nilon - vì Cù lao Chàm, vì biển xanh” được coi là sự đột phá trong vấn đề bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hội An cho biết: ”Những việc thành phố làm với Cù lao Chàm bước đầu để rút kinh nghiệm cho toàn thành phố. Từ đó đặt quyết tâm để đến năm 2010-2011, tất cả phải được sử dụng bằng những bao bì có thể tiêu huỷ được”.
Sau một ngày đắm mình dưới sóng nước xanh biếc và khung cảnh hoang sơ của Cù lao Chàm, giáo sư Venkat Reddy, làm việc tại Trung tâm Anh Ngữ Đà Nẵng theo Dự án của hai chính phủ Việt Nam, Ấn Độ nhận xét: ”Bạn có thể thấy ở đây một không gian hoang sơ, yên tĩnh hiếm có, rất nhiều cây xanh, bãi cát vàng tuyệt vời, nước biển trong xanh có thể nhìn tận đáy những rạn san hô và nhiều loài cá. Vấn đề môi trường ở đây có thể nói là rất tốt. Theo tôi thì việc Cù lao Chàm được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là điều rất thuyết phục!
Những cố gắng của người dân đảo đã được đền đáp. Mỗi năm có gần 2 vạn du khách vượt biển đến Cù lao Chàm trong xanh, sạch đẹp. Cùng với một số loại hình du lịch trên đảo đang hút khách, hình thức du lịch “lưu trú nhà dân” đang hình thành trên đảo, được cả du khách trong và ngòai nước ưa chuộng. Hơn ai hết, người dân trên đảo đang nhận thức được rằng: Bảo vệ môi trường sinh thái Cù lao Chàm cũng chính là vì quyền lợi, vì cuộc sống thiết thân của mình!.