Cuối năm 2008, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiến hành khảo sát lập quy hoạch chi tiết phục vụ cho sự phát triển du lịch của Vườn Quốc gia Ba Bể nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Theo đó, Vườn Quốc gia Ba Bể được chia làm 4 phân khu phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng phát triển du lịch: phân khu Buốc Lốm; phân khu Bản Cám (xã Nam Mâũ) và thác Đầu Đẳng; phân khuTrung tâm hành chính Vườn; phân khu xã Nam Cường với tổng diện tích hơn 100 ha.
Nếu bản quy hoạch chi tiết được phê duyệt và thu hút được nhiều nhà đầu tư tới thì chắc chắn hạ tầng và chất lượng du lịch của Vườn Quốc gia Ba Bể sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là làm sao phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên, không phá vỡ môi trường sinh thái đa dạng và nhạy cảm của Vườn Quốc gia?.
Trong 4 phân khu được quy hoạch để phát triển du lịch (các phân khu này đều nằm trong khu vực phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia) thì phần khu Buốc Lốm và phân khu xã Nam Cường (Chợ Đồn) có diện tích rộng, bằng phẳng nhưng nằm cách xa hồ Ba Bể nên các nhà đầu tư không mất mặn mà. Trong khi đó, 2 phân khu còn lại do có vị thế “đắc địa” nên có sức hút mạnh với các doanh nghiệp.
Phân khu Bản Cám và thác Đầu Đẳng nằm bên dòng sông Năng thơ mộng, có cảnh vật nên thơ và còn khá nguyên vẹn, đây là địa điểm hấp dẫn đối với nhiều du khách. Nhưng để xây dựng được các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và các công trình phụ trợ ở đây là điều không đơn giản. Trước hết để có mặt bằng các nhà đầu tư và ngành chức năng phải tính đến chuyện di dân và tìm địa điểm tái định cư cho hàng chục hộ dân nơi đây. Hơn nữa, mặt bằng phân khu này rất thấp để tránh được lũ sông Năng buộc các nhà đầu tư phải tôn nền lên rất cao. Quá trình vận chuyển nguyên vật liệu thi công các công trình du lịch chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái nơi đây. Đó là chưa kể tới việc, liệu các nhà đầu tư có chịu bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý rác, thái nước thái từ hoạt động kinh doanh du lịch của mình không, hay lại xả thải trực tiếp ra sông Năng?.
Thông tư số 99/2006/TT–BNN hướng dẫn thực hiện một số điều của quy chế quản lý rừng nêu rõ: Trong phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng được mở các đường trục chính, xây dựng công trình bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với phục vụ các hoạt động dịch vụ du lịch. Mức tác động của các công trình hạ tầng phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái tối đa là 20% trên tổng diện tích được thuê, trong đó cho phép sử dụng 5% diện tích xây dựng các công trình kiến trúc cơ sở hạ tầng, 15% còn lại làm đường mòn, điểm dừng chân và nơi đỗ xe.
Với quy định như trên, các nhà đầu tư cho rằng tỷ lệ đất được xây dựng là thấp, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của họ. Vì thế, các nhà đầu tư sẽ “lách luật” trong xây dựng nếu không có sự kiểm, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nông Thế Diễn, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể cho biết: Làm sao phát triển du lịch mà vẫn bảo tổn được các cảnh quan thiên nhiên luôn là được chúng tôi trăn trở. Không thể vì lợi ích trước mắt mà chúng tôi quên đi trách nhiệm của mình là giữ gìn tặng phẩm vô giá mà thiên nhiên đã ban cho Bắc Kạn. Một mặt chúng tôi hoan nghênh, khuyến khích các nhà đầu tư đến với Vườn, mặt khác chúng tôi kiên quyết yêu cầu họ thực hiện đúng những cam kết về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ du lịch. Phải mất hàng triệu năm thiên nhiên mới tạo dựng được một hồ Ba Bể với cảnh vật hùng vĩ và trữ tình. Nhưng nếu chúng ta thiếu cẩn trọng sẽ dễ phải trả giá đắt. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra hàng đầu là phát triển du lịch phải gắn chặt gới công tác bảo vệ bền vững hồ Ba Bể.