Thông tin về hai loài cây quý hiếm chưa từng xuất hiện ở Việt Nam vừa được tìm thấy ở Côn Đảo đã làm tăng thêm sự kỳ bí của rừng ngập mặn nơi đây. Rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Côn Đảo đã được Viện khoa học lâm nghiệp đề xuất là một trong mười khu rừng ngập mặn của Việt Nam cần phải ưu tiên bảo tồn nghiêm ngặt.
Những loài cây không đâu có
Rừng ngập mặn Côn Đảo nằm trong khu vực Vườn quốc gia Côn Đảo, có diện tích khoảng trên 30 ha. Rừng ngập mặn phân bố rải rác ở nhiều khu vực khác nhau với diện tích không lớn nhưng đa dạng, khu vực lớn nhất khoảng 5,9ha, nhỏ nhất khoảng 0,5ha.
Theo kết quả điều tra, khảo sát mới nhất của ông Trần Đình Huệ, Phó giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, cuối năm 2008, rừng ngập mặn Côn Đảo phân bố chủ yếu trên nền thổ nhưỡng san hô chết, cát, sét mềm. Đây cũng là điểm khác biệt của rừng ngập mặn Côn Đảo nên khi nước thủy triều rút ta vẫn có thể đi lại dễ dàng trong rừng không bị sình lầy như các nơi khác.
Hiện nay thực vật ở rừng ngập mặn Côn Đảo có khoảng 46 loài cây được định danh, trong đó có 35 loài thực vật thân gỗ, năm loài thân bụi, và 6 loài thân leo. Nhiều nhất phải kể đến các cây họ Đước với 9 loài, họ Bàng ba loài, họ Đậu ba loài với mật độ bình quân 2099 cây mỗi hecta. Trong số đó có ba loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam là Đước đôi, Cóc đỏ, Quao nước. Ông Huệ cho biết thêm, rừng ngập mặn Côn Đảo là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Việt Nam nên chúng ta cần phải bảo tồn chúng một cách nghiêm ngặt.
Vừa qua trong lúc thực hiện đề tài nghiên cứu đa dạng thực vật thân gỗ tại rừng ngập mặn Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu nhóm nghiên cứu của ông Huệ cũng đã tìm ra thêm hai loài cây quý hiếm lần đầu tìm thấy ở Việt Nam như Vẹt hainessi, Xu rumphii. Ông Huệ cho biết thêm hai loài trên chủ yếu có mặt ở Singapore, Philippine còn Việt Nam thì mới phát hiện. Cây Vẹt hainessi cao khoảng 15m rễ có hình cùi chỏ, vỏ cây màu nâu và màu xám, lá hình bầu dục, hình thoi, hoa thường nở ở các đốt chồi.
Hiện ở rừng ngập mặn vườn quốc gia Côn Đảo chỉ có duy nhất năm cây. Ngoài ra còn có một số loài cây hiếm ở Việt Nam và Côn Đảo như Bàng phi, Mướp xác hường, Gỏ biển, Cóc trắng, Bần trắng, Đước lai.
Trong đó cây Bàng phi là loài chỉ thị chuyển tiếp giữa ba hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển và san hô. Tuy nhiên, hiện nay cây này đang đối mặt với nạn tiệt chủng ở Đông Nam Á do bị khai thác làm cây bonsai.
Giữ rừng cho đời sau
Bằng kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với Vườn quốc gia Côn Đảo, luôn trăn trở để hệ sinh thái rừng ngập mặn, sinh vật tự nhiên ở đây được bảo tồn cho đời sau. Ông Huệ cùng cộng sự của mình tại vườn đã xác định được khu vực phân bố của những loài quý hiếm ở Côn Đảo như khu vực Bờ Đập – Bãi Dương có nhiều Đước đôi và Bằng phi.
Còn ở Đầm Quốc – Đầm The thì xuất hiện nhiều Vẹt hainesii, Cóc đỏ. Khu vực Đầm Trầu – Ông Câu thì ngoài Cóc đỏ còn có Cóc trắng và Quao nước. Khu vực Đầm Tre thì nhiều Mướp xác hường. Bàng phi, Cóc trắng. "Sau khi nắm bắt được đặc điểm phân bố của các loài như thế ta sẽ có những biện pháp bảo vệ, phát triển những loài quý hiếm trên", ông Huệ nói.
Điều mà bấy lâu ông Huệ trăn trở là rừng ngập mặn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, ương nuôi một số loài như tôm, cá rùa... chính vì thế cần phải tiến hành nghiên cứu sâu về đặc tính sinh thái, giá trị sử dụng của loài Vẹt hainesii và Xu rumphii cùng một số loài quý hiếm khác để đảm bảo sự tồn tại lâu dài, đa dạng của rừng ngập mặn nơi đây.
Ngoài ra, còn phải tiến hành nghiên cứu đa dạng gene của 1 số loài như Đước đôi, Cóc đỏ, Quao nước để phát tán nhân rộng. Bên cạnh đó, ông Huệ cũng mong muốn từ kết quả trên sẽ xây dựng được một ngân hàng dữ liệu về đa dạng loài, quần xã thực vật thân gỗ rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Côn Đảo từ đó đề xuất ra các giải pháp bảo tồn rừng ngập mặn mang lại kết quả tốt nhất.
Bảo tồn rừng ngập mặn
Vườn quốc gia Côn Đảo hiện đang tiến hành nhiều biện pháp để bảo tồn rừng ngập mặn quý ở đây như khoanh vùng các quần xã có loài quý hiếm để tăng cường công tác bảo vệ. Sau đó phải nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về tầm quan trọng và ý nghĩa của đa dạng sinh học, tăng cường công tác tuần tra tại các khu vực cần bảo vệ.
Ngoài ra, Vườn quốc gia Côn Đảo còn đang tính đến việc nhân giống bằng hạt, bằng hom hoặc qua nuôi, cấy mô các loài quý, hiếm có số lượng cá thể ít như Cóc đỏ, Vẹt hainessi, Xu rumphii để trồng mở rộng diện tích tại các khu vực ở Vườn. Đồng thời, chuyển đến trồng tại một số khu vực rừng ngập mặn của Việt Nam mà trước đây có loài này phân bố nhưng nay đã tuyệt chủng.