Mới đây, một nghiên cứu tại UniSA cho thấy các loại rừng ngập mặn gồm những cây đước, sú, vẹt… là những vệ sĩ bảo vệ các khu vực bờ biển, có năng lực sống sót trong những môi trường ô nhiễm kim loại nặng.
Các loại rừng ngập mặn gồm những cây đước, sú, vẹt… là những loài cây có khả năng sinh sống tại những nơi có nguồn nước mặn bậc nhất thế giới. Mới đây, một nghiên cứu tại UniSA cho thấy, chúng còn có thể là những vệ sĩ bảo vệ các khu vực bờ biển, có năng lực sống sót trong những môi trường ô nhiễm kim loại nặng.
Rừng ngập mặn ở quanh nhà máy luyện kim Nyrstar, Nam Úc. Credit: UniSA
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra, cây mắm ổi (Avicennia marina) – một loài thuộc thực vật ngập mặn thuộc chi mắm, có thể chịu đựng được trầm tích ô nhiễm lượng chì, kẽm, arsen, cadmium và đồng cao – mà không bị ảnh hưởng đến chính khả năng sinh trưởng của mình.
Nghiên cứu này đã thử đánh giá khả năng sinh trưởng của mắm ổi sống ở quanh khu vực nhà máy luyện kim Port Pirie, Úc. Sử dụng hàm lượng diệp lục trong lá như một thành phần đại diện cho sức khỏe thực vật, các nhà nghiên cứu đã phân tích và nhận thấy là các cây này đều không bị các ô nhiễm kim loại nặng ảnh hưởng, bất chấp sự thật là nồng độ chì và kẽm ở mức gấp 60 và 151 lần so với giá trị thông thường mà cây có thể chịu đựng.
Phát hiện mới nhấn mạnh vào vai trò của rừng ngập mặn trong những vùng bị ô nhiễm liên tục và vai trò quan trọng của việc bảo vệ “những vệ binh bờ biển” khắp thế giới. Nghiên cứu này cũng được sự ủng hộ của chính quyền bang Adelaide ba triệu đô la Úc nhằm phục hồi rừng ngập mặn ở phía bắc bang này.
Tiến sĩ Farzana Kastury từ Viện nghiên cứu công nghiệp tương lai của UniSA cho biết khả năng của các rừng ngập mặn chống chịu với môi trường có nồng độ kim loại cao khiến cho chúng trở nên vô giá trong việc quản lý môi trường ô nhiễm. “Rừng ngập mặn chính là hàng rào bảo vệ sinh thái lý tưởng: chúng không chỉ bảo vệ những vùng ven biển của chúng ta khỏi xói mòn và đa dạng sinh học bền vững mà còn có một năng lực lạ thường để ‘bẫy’ các ô nhiễm độc hại trong trầm tích”, tiến sĩ Farzana nói.
“Cây mắm ổi vẫn được biết bởi khả năng chống chịu các thành phần độc hại nhưng đến giờ thì chúng ta mới chỉ hiểu được một ít về vấn đề sức khỏe của chúng ở vùng vịnh Thượng Spencer.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mắm ổi có khả năng đáp ứng và sống sót trước sự phơi nhiễm chì và kẽm ở mức độ rất cao mà không để lại những hiệu ứng ảnh hưởng đến sức sinh trưởng trong diệp lục – nó thể hiện được giá trị của cây mắm ổi cho các hệ sinh thái ven biển”.
Mặt khác, trong nghiên cứu đang được thực hiện ở Port Pirie do phó giáo sư UniSA Craig Styan phụ trách cho thấy, có thể là hàm lượng kim loại có trong trầm tích ở rừng ngập mặn cao gấp 4 đến 7 lần so với trầm tích ở các thềm bùn. Styan nhận xét, nhìn chung, một nồng độ kim loại cao hơn được tìm thấy trong trầm tích có nghĩa là rủi ro ô nhiễm cao hơn với động vật và thực vật sinh sống trong đó hoặc trên đó. “Các nồng độ kim loại sinh khả dụng (bioavailable metals) chúng tôi đo đạc được trong trầm tích mặt ở khu vực rừng ngập mặn lưu trữ được lượng kim loại nhiều hơn đáng kể nhưng lại không làm gia tăng nguy cơ rủi ro ô nhiễm cho loài vật sinh sống ở khu vực này”, Styan nói.
“Tuy nhiên thì những người đang quyết định sẽ ăn cá được đánh bắt tại khu quanh nhà máy luyện kim cũng cần đến lời khuyên của Văn phòng y tế Nam Úc”.
Rừng ngập mặn (cùng với các bãi triều và các thảm cỏ biển) là một phần của hệ sinh thái carbon xanh; khi được bảo vệ hoặc phục hồi, chúng có thể phân tách và lưu trữ carbon nhưng khi bị suy giảm hoặc phá hủy, chúng lại phát thải carbon vào khí quyển như các loại khí nhà kính.
Tiến sĩ Kastury cho rằng việc hiểu biết về vai trò của rừng ngập mặn trong ô nhiễm kim loại an toàn bền vững ở những khu vực ô nhiễm nặng hiện rất cấp thiết, không chỉ cho các cộng đồng Nam Úc mà còn với cả thế giới.
“Nhìn về toàn cầu, hơn một phần ba diện tích rừng ngập mặn đã biến mất, chủ yếu là do con người như thu hồi đất đai để phát triển nông nghiệp, công nghiệp và các dự án phát triển hạ tầng”, tiến sĩ Kastury lưu ý.
“Chúng ta phải bảo vệ những cánh rừng ngập mặn của chúng ta để chúng có thể làm tốt công việc của mình là bảo vệ môi trường của chúng ta”.
Thanh Hương (Theo phys.org/Tạp chí Tia sáng)