(TITC) - Sáng 02/12/2022, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng VQG Cúc Phương. Ảnh: BTC
Tham dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ.
Cùng dự Lễ Kỷ niệm còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ NN&PTNTT, Tổng cục Lâm nghiệp; các Vườn quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên trong cả nước; các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước; đại diện các địa phương thuộc vùng đệm của VQG Cúc Phương.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chúc mừng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của VQG Cúc Phương và ngành lâm nghiệp nói chung qua các thời kỳ. Chủ tịch nước đánh giá cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị tài nguyên, đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng, di sản thiên nhiên vô cùng quý giá của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: BTC
Chủ tịch nước cũng ghi nhận, biểu dương sự hỗ trợ tích cực và những đóng góp rất quan trọng của hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng địa phương vùng đệm thuộc 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa; các nhà nghiên cứu, các đối tác, các tình nguyện viên đã tham gia bảo vệ, phát triển bền vững VQG Cúc Phương. Chủ tịch nước mong muốn toàn xã hội chung tay giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị VQG bền vững cho muôn đời sau.
Ghi nhận những thành tích và đóng góp của VQG Cúc Phương vào sự nghiệp phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, nhân dịp này Chủ tịch nước đã quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tập thể VQG Cúc Phương.
Cũng trong dịp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT tặng bằng khen, kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Nông nghiệp & PTNT" cho một số tập thể, cá nhân của Vườn. Ghi nhận những đóng góp quan trọng của Vườn quốc gia Cúc Phương đối với địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã quyết định tặng bằng khen cho 1 tập thể và 2 cá nhân của Vườn. Đây là những phần thưởng cao quý, là niềm cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn dành cho các thế hệ cán bộ công nhân viên chức Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc VQG Cúc Phương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: BTC
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã chúc mừng các thế hệ lãnh đạo, viên chức, người lao động của Vườn trong suốt 60 năm qua. Để đạt phát huy các kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, đồng chí Thứ trưởng đề nghị tập thể cấp ủy Đảng và lãnh đạo VQG Cúc Phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các địa phương trong vùng để bảo vệ rừng, tạo nền tảng triển khai toàn diện các nhiệm vụ, chức năng được giao; mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và bảo tồn đa dạng sinh học; khẩn trương xây dựng đề án du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp nhằm đầu tư, khai thác các lợi thế, tạo nguồn thu ổn định, bền vững.
Nhân dịp này đồng chí cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong vùng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Lâm nghiệp Việt Nam nói chung và VQG Cúc Phương nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các đại biểu tham dự sự kiện. Ảnh: BTC
Vườn Quốc gia Cúc Phương – Tự hào 60 năm xây dựng và phát triển
Ngày 7/7/1962, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập "Khu rừng cấm Cúc Phương", nay là VQG Cúc Phương; đây VQG đầu tiên của Việt Nam, ban đầu thực hiện sứ mệnh "nghiên cứu khoa học về thực vật, động vật và lâm học nhiệt đới".
Trong 60 năm xây dựng và phát triển, VQG Cúc Phương đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Đặc biệt là quản lý tốt ranh giới và bảo vệ rừng tận gốc. Mặc dù địa bàn rộng, hiểm trở, xung quanh có tới hơn 9 vạn người dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều người sống phụ thuộc vào rừng. Tuy vậy, Vườn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, ứng dụng công nghệ trong tuần tra và chủ động phối hợp với hệ thống chính trị, cộng đồng cư dân địa phương để tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại rừng. Nhờ đó, số loài và tần xuất xuất hiện cá thể động vật hoang dã trong rừng ngày càng tăng.
Cúc Phương cũng là một trong những Vườn quốc gia đi đầu cả nước trong việc điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học; bảo tồn các loài động, thực vật quí hiếm. Đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã ghi nhận hơn 2.500 loài thực vật, 300 loài nấm, 669 loài động vật có xương sống, 1.900 loài động vật không xương sống... Vườn thực vật ở đây cũng đang sưu tập và bảo tồn hơn 800 loài thực vật. Thời gian qua, VQG Cúc Phương đã thực hiện cứu hộ trên 4.600 cá thể động vật, sinh sản trên 650 cá thể và tái thả về tự nhiên trên 1.200 cá thể. Số đang cứu hộ, bảo tồn tại Vườn là 78 loài với trên 2.700 cá thể quý hiếm.
Song hành với công tác bảo tồn, Vườn cũng chủ trì thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, qua đó, giúp bổ sung lí luận về diễn thế rừng, cấu trúc rừng, đặc điểm sinh thái học loài quí hiếm, góp phần bảo tồn loài Quốc gia.
Ngoài ra, Vườn đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, tiêu biểu như: Dự án Tăng cường quản lý VQG Cúc Phương do Tổ chức FAO tài trợ; Dự án VIE 91/G31 về đào tạo đa dạng sinh học do Tổ chức UNDP, WWF tài trợ; Dự án Bảo tồn các loài linh trưởng quí hiếm của Việt Nam do Vườn thú Leipizg - Đức tài trợ; Dự án Nghiên cứu tính đa dạng thực vật Cúc Phương hợp tác với Trường đại học Illinoise - Hoa Kỳ; Dự án Bảo tồn các loài Tê tê châu Á hợp tác với Vườn thú Newquay - Vương quốc Anh...
Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, các thành tựu nghiên cứu khoa học, kết quả công tác bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa cộng đồng bản địa, Cúc Phương đã và đang hoàn thiện "hệ sinh thái" du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm thú vị, ý nghĩa, từng bước đưa Vườn trở thành "trường học" lớn về thiên nhiên, là điểm đến hàng đầu của học sinh, sinh viên, các nhà khoa học, du khách trong nước và quốc tế. Liên tiếp 4 năm, từ năm 2019 đến 2022, Vườn được tổ chức World Travel Awards bình chọn là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Trung tâm Thông tin du lịch