Khởi động từ năm 2021, chương trình “Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai đang tiếp tục tạo được sức lan tỏa lớn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tất cả mọi người hiểu về vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hành động thiết thực
Năm 2022, huyện Ea Súp là một trong những điểm đến của chương trình “Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh”. Chương trình đã nhận được sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng và tham gia của người dân, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn. Trực tiếp tham gia hoạt động trồng cây tại khu vực rừng đầu nguồn ở xã Ia Lốp (huyện Ea Súp), bạn Bùi Thị Mai Hoa chia sẻ: “Với em, hoạt động trồng thêm cây xanh cải thiện khí hậu là một việc làm thật nhiều ý nghĩa. Hy vọng rằng, những chương trình như thế này sẽ càng ngày càng thu hút đông đảo ĐVTN và cộng đồng chung tay góp sức mang lại màu xanh cho quê hương đất nước”.
Trong hành trình của “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” năm 2022, ngoài hoạt động trồng rừng trực tiếp tại các địa phương, ĐVTN còn có cơ hội góp cây xanh để trồng rừng bằng chính hoạt động cụ thể như: Thực hiện “Cam kết xanh”, “Hành động xanh”, trồng cây ảo, chạy, đi bộ... Các hoạt động này đều được Ban tổ chức ghi nhận và quy đổi sang cây xanh tương ứng để góp vào chương trình.
Đoàn viên thanh niên tham gia trồng cây tại rừng đầu nguồn thuộc thôn Thanh niên lập nghiệp, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.
Với ý nghĩa thiết thực, các hoạt động đồng hành cùng chương trình cũng thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ. Cụ thể, cuộc thi ảnh “Triệu cây xanh” có 1.510 tác phẩm dự thi, cuộc thi video clip “Triệu cây xanh” thu hút 205 tác phẩm dự thi của các thí sinh trên khắp cả nước; cuộc vận động Cam kết xanh, Hành động xanh có 108.944 cá nhân tham gia, có 44.587 cây xanh ảo được trồng; Giải chạy bộ, đi bộ trực tuyến “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” đã thu hút hơn 8.897 người đăng ký với số cây tích lũy từ giải chạy là hơn 38.000 cây.
Lan tỏa chương trình
Năm 2021, chương trình "Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh" đã thực hiện trồng 30.000 cây tại rừng đầu nguồn của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, năm 2022 chương trình trồng mới 50.000 cây xanh tại các khu vực rừng đầu nguồn của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp triển khai, Ban tổ chức nhận thấy sự vào cuộc và cam kết của các cấp chính quyền địa phương cũng như sự tham gia tích cực của ĐVTN trong việc trồng chăm sóc và bảo vệ số lượng cây từ chương trình nên đã quyết định bổ sung thêm 51.000 cây xanh, tăng tổng số lượng cây xanh trồng mới năm 2022 là 101.000 cây.
Đắk Lắk là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các tổ chức Đoàn trên toàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây gây rừng theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng đơn vị. Nhờ xác định rõ quy mô, lực lượng, phương thức triển khai, các hoạt động trồng cây gây rừng đã từng bước đạt hiệu quả nhất định và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Qua đó, phát huy sức trẻ tỉnh trong việc trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Chị Trần Thị Thúy, Phó Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp cho hay: “Triển khai chương trình "Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh", trong năm nay, đã có 76.000 cây xanh được trồng trên diện tích hơn 63 ha tại khu vực rừng đầu nguồn của địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền ĐVTN và bà con nhân dân hưởng ứng chương trình này. Không chỉ thực hiện trồng được một cây xanh, tăng độ che phủ rừng tại địa phương, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành, người dân tiếp tục chăm sóc, để cây phát triển tốt, phủ xanh những cánh rừng”.
Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Ea Súp ký cam kết phối hợp chăm sóc, bảo vệ cây được trồng và chăm sóc phát triển cây trong 3 năm đầu.
Tại Lễ tổng kết chương trình năm 2022, anh Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn cho biết: “Qua hai năm tổ chức, chương trình đã chứng minh đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp từ khâu phân tích, lựa chọn địa bàn; có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp bộ Đoàn, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương để tổ chức khảo sát, xây dựng phương án và triển khai trồng cây xanh mới tại các khu vực rừng đầu nguồn; đồng thời kết hợp với đội ngũ chuyên gia, các cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định, đánh giá về giống cây, giám sát công tác trồng, chăm sóc và nghiên cứu xây dựng báo cáo khoa học đối với toàn bộ chương trình; và đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, sôi nổi của ĐVTN và nhân dân trong công tác chuẩn bị, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh được trồng tại rừng đầu nguồn”.
Anh Phương