Nhằm kích cầu du lịch, đồng thời tạo điều kiện để các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp phân tích, trao đổi, đánh giá các hoạt động du lịch hiện nay và đề ra những giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngày 13/12, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp du lịch và trao đổi chuyên đề "Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030".
Ảnh minh họa (Ảnh: Báo Văn hóa)
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Văn Đáp nhấn mạnh, Bắc Ninh là địa phương có nền văn hóa đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa - lễ hội; du lịch cộng đồng từ các làng Quan họ, làng nghề truyền thống, nông nghiệp, nông thôn; du lịch đường sông...
Để thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh thường xuyên quan tâm chỉ đạo và giao Sở VHTTDL phối hợp với các sở, ban ngành thực hiện một số giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; đầu tư phát triển các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường hoạt động kết nối, hợp tác với các địa phương trong cả nước; đăng cai tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô quốc gia, quốc tế để thu hút du khách… Đặc biệt, ngày 19/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 406/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch về số lượng, quy mô và chất lượng dịch vụ. Hiện nay, Bắc Ninh có 541 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có 503 cơ sở lưu trú (4 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 cơ sở 2 sao), 38 đơn vị kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách, cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách. Tổng giá trị vốn đầu tư xã hội cho du lịch lũy kế đến năm 2022 đạt gần 8.300 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với năm 2016. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống khách sạn, nhà hàng đa dạng, chuyên nghiệp, cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch, hội nghị, hội thao, giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế và khách du lịch.
Giai đoạn 2016 - 2022, du lịch Bắc Ninh có tốc độ tăng trưởng trung bình 14,02%/năm, đón từ 1,1-1,6 triệu lượt khách/năm. Tổng thu từ du lịch năm 2019 đạt 1.100 tỷ đồng (trong 2 năm 2020 và 2021 những chỉ tiêu này có sụt giảm do ảnh của dịch Covid-19). Năm 2022, du lịch phục hồi tích cực sau khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại hoạt động từ tháng 3/2022. Tổng doanh thu du lịch năm 2022 ước đạt 830 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2021; tổng lượt khách đạt 1,2 triệu lượt, tăng 50% cùng kỳ năm 2021.
Tại Hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận một số chuyên đề về: Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Bắc Ninh; phát huy các giá trị di tích Quốc gia đặc biệt hướng đến phát triển thương hiệu điểm đến du lịch văn hóa đặc thù; giải pháp chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền trong phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh; các giải pháp cụ thể phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19…
Hội nghị là sự kiện quan trọng trong các hoạt động kích cầu du lịch năm 2022; là diễn đàn để các đại biểu phân tích, trao đổi, đánh giá các hoạt động du lịch hiện nay và đề ra những giải pháp nhằm phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, góp phần tăng cường sự hợp tác, liên kết, trao đổi giữa Sở VHTTDL với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch hoạt động có hiệu quả, tạo môi trường phát triển du lịch thông thoáng, lành mạnh, an toàn.
Trước đó, các đại biểu, doanh nghiệp đã đi khảo sát thực tế tại một số điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh gồm: Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống Múa rối nước Đồng Ngư và Khu bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành); Trung tâm Bảo tồn Tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành); Điểm du lịch sinh thái văn hóa Đông Đô (xã Lâm Thao, huyện Lương Tài); Đền thờ Lý Thường Kiệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong); Điểm du lịch thôn Viêm Xá và Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).
QH (T.H)