Nhằm đẩy mạnh công tác khuyến lâm, nâng cao đời sống cộng đồng trong khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên, được sự tài trợ của tổ chức OXFAM Anh, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên vừa tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 25 cán bộ làm công tác khuyến lâm và một số hộ dân nằm trong vùng lõi, vùng đêm của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Nội dung tập huấn chủ yếu tập trung vào các kiến thức cơ bản về công tác khuyến nông, khuyến lâm, các bước lập kế hoạch khuyến lâm địa bàn. Với phương pháp tập huấn hiện đại, thông qua việc chia tổ lập kế hoạch khuyến nông, khuyến lâm xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân từng khu vực cụ thể. Kết thúc lớp tập huấn, các học viên đã tự xây dựng được kế hoạch khuyến nông, khuyến lâm phù hợp cho từng thôn bản thuộc khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên, trình độ kiến thức của các học viên cũng được nâng lên, phương pháp làm việc được cải thiện, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án trong thời gian tiếp theo. Đây là lớp học đầu tiên mang tính chất quy củ trong chương trình phối hợp nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Hoàng Liên được mở từ ngày thành lập năm 2002 đến nay.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên thuộc địa phận thị trấn Sa Pa và các xã: San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, huyện Sa Pa; một phần huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai và hai xã Mường Khoa, Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Đây là điểm du lịch sinh thái lý tưởng và phù hợp với nghiên cứu khoa học. Vườn Quốc gia Hoàng Liên - một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam có tổng diện tích vùng lõi 29.845 ha, bao gồm một hệ thống núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, trong đó có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143m; vùng đệm diện tích 38.724 ha, bao gồm thị trấn Sa Pa, một số xã thuộc huyện Sa Pa, một phần huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và 2 xã thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên chủ yếu là rừng nguyên sinh với một thảm thực vật rừng kín, xanh á nhiệt đới núi cao và một hệ động vật rừng phong phú, đa dạng. Về hệ thực vật rừng, nơi đây có khoảng hơn 2.000 loài với các loại cây gỗ điển hình như: tống quán sủ, bồ đề, đỗ quyên, pơ-mu, mận rừng..., trong đó có khoảng 66 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam như: bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh tùng, dẻ tùng..., 32 loài quý hiếm như: Loài bách xanh phân bố tại vùng núi đá vôi xã Bản Hồ (Sa Pa), loài thông đỏ được tìm thấy tại xã Sa Pả (Sa Pa), loài Vân Sam Hoàng Liên - Sam lạnh) phân bố trong vùng lõi vườn quốc gia (ba loài cây này là những nguyên liệu chính dùng để chiết xuất ra nhiều loại thuốc chữa bệnh quý hiếm) và hàng trăm loài thảo dược như: quy, thục, đỗ trọng, hoàng liên chân chim, đỗ quyên, kim giao... Ngoài ra, tại đây người ta còn tìm thấy loài nấm cổ linh chi, nứa Sa Pa - phân bố chủ yếu ở vùng rừng núi cao của Trung Quốc và Việt Nam. Bên cạnh một hệ thực vật rừng phong phú, hệ động vật rừng cũng rất đa dạng với 66 loài thú, phổ biến là: vượn đen tuyền, hồng hoàng, cheo cheo, voọc bạc má..., trong đó có 16 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 347 loài chim như đại bàng đốm to, trĩ mào đỏ, chim hét mỏ vàng...; 41 loài lưỡng cư và 61 loài bò sát, trong đó, có loài ếch gai rất hiếm ở Việt nam vừa mới được phát hiện.
Với hệ sinh thái rừng phong phú như vậy,Vườn Quốc gia Hoàng Liên được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất nước ta. Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt của đồng bào trong vùng là phát nương làm rẫy, săn bắn và hái lượm trồng xen cây thảo quả dưới tán rừng, khai thác chất đốt... đã xảy ra không ít những trường hợp xâm hại, làm tổn thương đến đa dạng sinh học. Đặc biệt là vụ cháy hàng trăm ha vào tháng 3 năm 2009 đã làm tổn hại và nghèo hoá vườn Quốc gia nếu như các cơ quan quản lý không kịp thời có những biện pháp tuyên truyền vận động, nhất là mở những lớp tập huấn Phối hợp và nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát triển lâm sinh Vườn quốc gia Hoàng Liên như hiện nay.