Không chỉ tạo dựng những con đường khang trang, những hàng cây xanh, không gian sạch, đẹp mà người dân Đông Anh còn xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Đến nay, chính quyền, người dân Đông Anh đã triển khai hiệu quả mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và trở thành một điểm sáng trong phong trào bảo vệ môi trường của Thủ đô.
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Dục Tú (huyện Đông Anh) hướng dẫn người dân phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và ủ rác hữu cơ. Ảnh: Đào Huyền
Từ phong trào phân loại rác tại nguồn...
Đều đặn mỗi ngày, ông Đỗ Phương Tuân (ở thôn Lan Trì, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) tự phân loại rác thải sinh hoạt, từ thức ăn thừa, túi ni lông cho đến bóng đèn hỏng... "Mỗi hộ dân đều có hai xô rác, một đựng rác hữu cơ, một đựng rác vô cơ. Vào cuối ngày sẽ có người đến tận nhà thu gom và đưa đến bãi tập kết rác để xử lý. Từ khi thực hiện phân loại rác, lượng rác thải gom đi tiêu hủy rất ít, người thu gom rác cũng đỡ vất vả...", ông Đỗ Phương Tuân cho biết.
Cũng về câu chuyện phân loại rác, cứ mỗi tháng, bà Quang Thị Ngà (thôn Lương Quán, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) lại lấy phân hữu cơ được ủ từ rác thực phẩm và chế phẩm vi sinh để bón cho vườn rau của gia đình. Gia đình bà đã thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn gần 2 năm nay. Với rác hữu cơ, bà đổ dồn vào để làm phân bón cho cây trồng. Còn rác vô cơ cho vào xô để công nhân môi trường đến thu gom...
Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đã trở thành thói quen của nhiều người dân tại các xã trên địa bàn huyện Đông Anh. Tất nhiên, để hình thành thói quen này không phải là chuyện "một sáng, một chiều". Chủ tịch UBND xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) Nguyễn Kim Nhật cho biết: Trước kia, hầu hết các gia đình trong xã không thực hiện phân loại rác và thường sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hằng ngày... Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, ứ đọng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều. Để thực hiện hiệu quả việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, chính quyền xã đã yêu cầu các hội, đoàn thể cùng tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện. Các thôn còn ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác vệ sinh môi trường và đưa nội dung này vào quy ước của thôn...
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn, đến hết tháng 11/2022 có hơn 30.000 hộ tham gia thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn tại 24 xã, thị trấn (đạt hơn 30% số hộ tham gia). Hiện tại, tỷ lệ rác giảm, không phải chôn lấp đạt từ 50% đến 70% tổng lượng rác thải phát sinh của các hộ được kiểm kê (trong đó chủ yếu là rác thải hữu cơ).
... đến xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp
Theo bà Lê Thị Huế (thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh), từ khi triển khai mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xã Dục Tú không còn tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi trên đường, trong ngõ, xóm hay ngoài đồng ruộng như trước. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân phân loại ngay tại nhà, rác vô cơ đưa tới nơi quy định để xử lý. Dục Tú đang trở thành vùng quê văn minh, sạch, đẹp.
Để phân loại rác thải trở thành một thói quen trong sinh hoạt hằng ngày, Đông Anh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và nhận được sự đồng thuận từ người dân. Huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị tại trụ sở UBND huyện, UBND các xã và các thôn; triển khai hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải, ủ rác hữu cơ trên hệ phống phát thanh... Hội đoàn thể của các xã còn xây dựng video clip hướng dẫn phân loại và ủ rác hữu cơ, kiểm kê rác... cho người dân. Đông Anh cũng đã thành lập các nhóm Zalo để đôn đốc thực hiện như: Nhóm Zalo các phòng, ban, các đơn vị và UBND các xã; nhóm Zalo triển khai tại các xã; nhóm Zalo của các thôn để kịp thời chia sẻ và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, với mục tiêu trở thành một quận phát triển của Thủ đô, công tác bảo vệ môi trường luôn được Đông Anh quan tâm, trong đó việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn có ý nghĩa rất lớn. Năm 2023, huyện giao nhiệm vụ cụ thể đến các xã, thị trấn; phấn đấu thực hiện hiệu quả việc thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại rác.
Thời gian tới huyện Đông Anh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, qua mạng xã hội về nhiệm vụ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm, Đông Anh sẽ tăng cường việc giám sát của các ban, ngành, đoàn thể, kết hợp với sự hỗ trợ, động viên đối với các nhóm nòng cốt, các chi hội đoàn thể cơ sở. Việc kiểm kê rác từng bước sẽ được ứng dụng công nghệ. Cùng với đó, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình xử lý rác hữu cơ tại nhà, đồng thời tổ chức thu gom rác tái chế, rác thải nhựa, nguy hại, rác điện tử...
Với những kế hoạch cụ thể, sự đồng thuận từ người dân trong việc triển khai các phong trào, mô hình bảo vệ môi trường, Đông Anh đang ngày một xanh, sạch, hướng tới mục tiêu là một quận phát triển của Thủ đô trong tương lai.
Đỗ Minh