Thỏa thuận lịch sử về bảo vệ thiên nhiên đã thắp lên niềm tin về việc cộng đồng quốc tế tiếp tục gạt bỏ bất đồng, phát huy tinh thần đoàn kết để thực hiện đầy đủ trách nhiệm với hành tinh xanh.
Thoả thuận mang tính lịch sử về bảo vệ thiên nhiên (Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal) trong COP15 giai đoạn 2 được kỳ vọng giúp đảo ngược hàng thập kỷ con người tàn phá môi trường, đe dọa các loài động, thực vật và hệ sinh thái trên toàn thế giới, đồng thời đưa các nước vào con đường phục hồi hệ sinh thái. Theo các chuyên gia, đây thật sự là một bước tiến có ý nghĩa trong nỗ lực chung của nhân loại để bảo vệ Trái đất, bởi sau bốn năm ròng rã đàm phán, hơn 190 quốc gia cuối cùng đã đạt được tiếng nói chung nhằm cứu các vùng đất, đại dương và các loài sinh vật trước nguy cơ bị ô nhiễm, suy thoái.
Cháy rừng là một trong những nguyên nhân khiến đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng.
Trong COP15 giai đoạn 2, việc huy động tài chính để bảo vệ đa dạng sinh học là một vấn đề gai góc, gây nhiều tranh cãi. Theo đó, các nước đang phát triển muốn có một quỹ đa dạng sinh học toàn cầu mới để hỗ trợ các nước này thực hiện những mục tiêu đề ra, như thành lập khu bảo tồn. Đề nghị này vấp phải sự phản đối của các quốc gia phát triển.
Sự chia rẽ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển về việc thành lập quỹ đa dạng sinh học cũng tương tự cuộc tranh luận về đóng góp tài chính tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra hồi tháng 11/2022. Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại, các tín hiệu tích cực đã dần xuất hiện trong thời gian diễn ra sự kiện COP15 giai đoạn 2, Australia, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Mỹ đưa ra cam kết tăng viện trợ tài chính giúp các nước thu nhập thấp bảo tồn hệ sinh thái.
Sự ra đời của thỏa thuận mang tên Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal vào những giờ đàm phán cuối cùng tại COP15 nhận được sự hoan nghênh của dư luận quốc tế. Về nội dung, thỏa thuận cam kết bảo đảm 30% diện tích trên hành tinh là khu vực được bảo vệ vào năm 2030 và viện trợ tới 30 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển để phục vụ công tác bảo tồn. Thỏa thuận còn bao gồm các mục tiêu, trong đó có giảm trợ cấp cho những hoạt động nông nghiệp mang tính tàn phá môi trường, giảm rủi ro từ sử dụng thuốc trừ sâu và xử lý các loài xâm lấn.
Do đại dịch COVID-19, Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) được tổ chức thành hai phần. Phần đầu tiên tổ chức tại Côn Minh, Trung Quốc từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 10 năm 2021. Phần thứ hai (giai đoạn 2) COP15-CBD được tổ chức tại thành phố Montreal, Canada, từ ngày 7 đến ngày 19 tháng 12 năm 2022.
Lan Hương