Tại Nha Trang, mỗi ngày có 10 tấn rác thải du lịch thải xuống biển. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, đến năm 2008, số cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đã phát triển với hơn 10 ngàn điểm. Thế nhưng ngoài mặt tích cực là tạo ra doanh thu, việc làm cho địa phương, một số vấn đề đã được đặt ra như việc sử dụng nhiều tài nguyên, sản sinh rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Trong đó, các cơ sở lưu trú du lịch chiếm tỷ lệ tác động lên môi trường lớn nhất.
Vật lộn với ô nhiễm
Đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng ô nhiễm biển do các khu du lịch gây ra. Theo một số nghiên cứu gần đây của Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM, quá trình khai thác du lịch biển thời gian qua làm biển đang bị đục dần dần.
Đơn cử như các vùng biển Bình Định, Nha Trang, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ở nhiều khu vực, nước thải của các khu dân cư, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch thường không qua xử lý đã thải trực tiếp xuống biển.
Tại Nha Trang, thống kê của Ban quản lý vịnh Nha Trang cho thấy mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải du lịch, cộng với rác thải sinh hoạt của dân cư trên sáu khóm đảo và nhà vệ sinh trên các tàu du lịch xả thẳng xuống biển. Tàu thuyền du lịch, phương tiện vui chơi giải trí tấp nập khiến nước biển ven bờ bị ô nhiễm dầu. Tình trạng trên cũng xảy ra ở một số vùng biển Phan Thiết, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2008 dự báo mỗi năm Việt Nam đang mất đi ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch do những cơ sở có hệ thống xử lý vệ sinh kém. Ô nhiễm môi trường cũng làm giảm đi sức thu hút khách của ngành du lịch.
Dán nhãn cho du lịch môi trường
Thời gian qua, cũng có một số doanh nghiệp ý thức được vấn đề và xem chống ô nhiễm như một hình thức cạnh tranh.
Cụ thể như, doanh nghiệp Victoria Châu Đốc (An Giang) tự thực hiện logo môi trường riêng của mình. Cứ ba tháng, doanh nghiệp này có một ngày làm công tác bảo vệ môi trường. Công ty mời các em học sinh tham gia cùng nhân viên khách sạn thu gom rác ở xung quanh khu vực công viên gần khu du lịch.
Ngoài ra, theo kế hoạch của doanh nghiệp này, vào tháng 9 hàng năm, tất cả cán bộ, nhân viên của khách sạn sẽ thực hiện vệ sinh đường lên đỉnh núi Sam, đặt các sọt rác dọc theo đường lên đỉnh núi Sam.
Theo ông Trịnh Quang Mẫn, Tổng Giám đốc Victoria Châu Đốc, đối với những nhà kinh doanh du lịch nghiêm túc thì khi xây dựng các công trình phải xây dựng khu xử lý nước thải ngay từ đầu và phải đầu tư đúng mức, vì đầu tư này rất có ý nghĩa, sẽ mang lại lợi nhuận trong tương lai.
Ngoài ra, Khu resort điện mặt trời Sao Việt-Núi Thơm ở tỉnh Phú Yên trở thành khu nghỉ dưỡng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ điện mặt trời hỗ trợ phát triển du lịch. Một số điểm du lịch ở khu vực TP.HCM như Đầm Sen, Suối Tiên cũng đã tự đưa ra các chuẩn mực, xử phạt mạnh tay với các hành vi xả rác.
Tại hội thảo “Xây dựng năng lực về quản lý tài nguyên và môi trường cho các khách sạn và khu du lịch” - bà Nguyễn Phương Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), cho biết ngành du lịch đang xây dựng dự án “Nhãn sinh thái” với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng Pháp.
Dự án này sẽ áp dụng cho các khách sạn từ ba sao đến năm sao nhằm tăng tính cạnh tranh của ngành công nghiệp khách sạn thông qua việc quản lý hiệu quả tài nguyên, giảm chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, hàng ngàn cơ sở lưu trú sẽ được hướng dẫn và áp dụng kỹ thuật tiết kiệm nước, năng lượng và giảm rác thải.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của một số doanh nghiệp du lịch, việc bắt tay vào triển khai các dự án chống ô nhiễm đối với doanh nghiệp vẫn sẽ còn mất thời gian dài.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lữ hành Lửa Việt, cho biết mặc dù doanh nghiệp đã có ý thức với các vấn đề môi trường nhưng số lượng này không nhiều. Phải mất một thời gian dài mới có thể ngăn được tình trạng rác thải, ô nhiễm tràn lan ở các khu du lịch như hiện nay.