Bảo tồn đa dạng sinh học ở Bắc Giang

Cập nhật: 21/02/2023
Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy bền vững giá trị hệ sinh thái tiêu biểu, từ đó tạo động lực cho mục tiêu phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh.

Theo khảo sát của các ngành chức năng, hệ thực vật rừng tại tỉnh Bắc Giang khá phong phú với 276 loài cây gỗ thuộc 136 chi của 57 họ thực vật; 452 loài cây dược liệu thuộc 53 chi của 28 họ cây cỏ, dây leo… Rừng ở Bắc Giang hiện còn có nhiều loại quý hiếm có giá trị kinh tế cao, cũng như trong nghiên cứu khoa học như táu mật, sến, giẻ, trám, pơ mu, thông tre, thông nàng, gụ, lim xanh, xoan đào, gió lá nhỏ… Hệ động vật rừng khá đa dạng, theo số liệu điều tra trên địa bàn tỉnh (chủ yếu ở khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử) có khoảng 226 loài, 81 họ và 24 bộ, trong đó có nhiều loại thú quý như cu ly lớn, voọc đen, tê tê, chó sói, gấu ngựa, báo gấm, beo, sơn dương, sóc bay lớn, sóc bay đen trắng, khỉ đuôi lợn, khỉ vàng.

Với giá trị tài nguyên trên, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang triển khai các giải pháp hướng đến bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học về các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái phong phú trên địa bàn tỉnh Bắc Giang để bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; có những đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cho quốc gia và khu vực.

Địa phương này phấn đấu đến năm 2030, hoàn thiện được bộ cơ sở dữ liệu về hiện trạng và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh: Đánh giá toàn diện hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Giang. Hoàn thành quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với quy hoạch tỉnh. Ưu tiên bảo tồn nguyên vị các hệ sinh thái đặc thù, các loài thực vật quý hiếm, đặc hữu, tạo các sinh cảnh ổn định cho các loài động vật hoang dã sinh trưởng. Kiểm soát việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên sinh vật; xây dựng và thực hiện phương án phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu tác hại của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và loài có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học...

Trong đó, hầu hết các loài đặc hữu, có giá trị về mặt khoa học và kinh tế của địa phương được đưa vào quy hoạch bảo tồn một cách hiệu quả tại các khu vực hệ sinh thái đặc trưng khác nhau. Phần lớn diện tích các khu rừng tự nhiên, đất ngập nước sẽ được xem xét đưa vào chiến lược khai thác và bảo tồn ở các cấp độ khác nhau. Ban hành danh mục các loài địa phương cần được ưu tiên bảo tồn (theo danh lục mới cập nhật sách đỏ Việt Nam và Nghị định 06/2019/CP). Đến năm 2030 tỉnh có 01 khu dự trữ thiên nhiên Tây Yên Tử cấp tỉnh với diện tích 12.172,2ha; 02 khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh gồm khu cảnh quan suối Mỡ (diện tích 1.504,8ha, Hồ Cấm Sơn (diện tích 2.500ha).

Bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan sinh thái là điều kiện để tỉnh Bắc Giang khai thác phát triển du lịch sinh thái. 

Nâng cao chất lượng và tăng diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, bảo đảm: diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 3,51% diện tích lãnh thổ, diện tích khu bảo tồn đất ngập nước đạt 0,67% diện tích lãnh thổ; độ che phủ rừng đạt 37%; giữ ổn định diện tích rừng đặc dụng 13.500ha, diện tích rừng phòng hộ 20.600ha và có kế hoạch bảo vệ hiệu quả. Thành lập các cơ sở bảo tồn gồm: Cơ sở Bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm tại khu dự trữ thiên nhiên Tây Yên Tử với diện tích 20ha; Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tại phân khu Dịch vụ - Hành chính khu Dự trữ thiên nhiên Tây Yên Tử; 02 cơ sở bảo tồn các loài động vật hoang dã tại xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang và xã Bích Sơn, huyện Việt Yên.

Đến năm 2050, hoàn thiện hệ thống các khu bảo tồn đa dạng sinh học. Triển khai phương thức bảo tồn chuyển chỗ, hình thành hệ thống vườn thực vật, vườn ươm, vườn động vật để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng đã xác định được từng khu bảo tồn của tỉnh. Giải quyết từng bước sinh kế ổn định cho người dân vùng đệm các khu bảo tồn thông qua biện pháp khai thác nuôi trồng các giống vật nuôi có giá trị đang được bảo tồn, tham gia quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Khai thác tiềm năng du lịch của các khu bảo tồn nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế của người dân vùng đệm. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học và các chiến lược quốc gia.

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bắc Giang triển khai quy hoạch khu dự trữ thiên nhiên Tây Yên Tử cấp tỉnh (bao gồm cả khu bảo tồn đa dạng sinh học Rừng nguyên sinh Khe Rỗ với diện tích khoảng 5.320,4ha với mục tiêu bảo vệ an toàn hệ động thực vật hiện có trong Khu bảo tồn, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu nhằm phục hồi môi trường sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới có tính đa dạng sinh học cao. Cân bằng sinh thái nhằm tăng độ che phủ rừng, tăng chất lượng rừng...với quy mô diện tích: 12.172,2 ha rừng và đất rừng đặc dụng, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 5.448,3ha, phân khu phục hồi sinh thái là 6.523,9 ha, phân khu hành chính dịch vụ là 200 ha.

Giai đoạn 2031-2050: Quy hoạch khu dự trữ thiên nhiên Tây Yên Tử cấp quốc gia với mục tiêu áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong công tác bảo vệ, bảo tồn, phục hồi bền vững các hệ sinh thái rừng đặc trưng, các loài sinh vật quan trọng, trong đó chú trọng bảo tồn bền vững các loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới. Xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các chương trình hoạt động trong Khu bảo tồn gắn phát triển du lịch sinh thái bền vững... với quy mô 12.242,8 ha rừng và đất rừng đặc dụng, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 5.448,3ha, phân khu phục hồi sinh thái là 6.594,5 ha, phân khu hành chính dịch vụ là 200 ha.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang triển khai quy hoạch 02 khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh gồm khu cảnh quan suối Mỡ, Hồ Cấm Sơn với mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, loài và nguồn gen đặc thù vốn có trong các hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất ngập nước. Bảo vệ cảnh quan hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất ngập nước và phát triển bền vững các giá trị lịch sử, văn hóa, đa dạng sinh học trong khu vực; phát triển du lịch sinh thái, giáo dục môi trường.

Tỉnh Bắc Giang chú trọng triển khai quy hoạch phát triển hệ sinh thái trên cạn và đất ngập nước.

Đối với các hệ sinh thái tự nhiên, tỉnh Bắc Giang triển khai quy hoạch phát triển hệ sinh thái trên cạn. Trong đó, đặc trưng của hệ sinh thái trên cạn có tính đa dạng sinh học cao tại Bắc Giang là hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp. Trong đó, rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới có diên tích lớn nhất, phân bố thành vùng rộng lớn dưới độ cao 700m có khoảng hơn 3000 ha ở quanh khu vực chân và sườn thấp của các đỉnh cao vùng Bảo Đài – huyện Lục Nam, Tây Yên Tử - Huyện Sơn Động. Đến sát đường ô tô từ Tân Dân qua Thanh Sơn, Tuấn Mậu đến Lục Sơn và cả vùng rừng rộng lớn từ Nà Tắng, Vực Tròn đến ranh giới với Đình Lập (Lạng Sơn), Ba Chẽ, Hoành Bồ (Quảng Ninh) thuộc xã An Lạc, Suối Mỡ,...

Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp phân bố ở độ cao từ 700m đến 1068m, diện tích nhỏ khoảng 2.222,2 ha nhưng khá liền khoảnh. Kiểu rừng này phân bố quanh các đỉnh núi cao trong Khu bảo tồn Tây Yên Tử nhưng tập trung nhiều quanh khu vực thượng nguồn các con suối Đồng Rì, Đồng Bài, Nước Nóng, Nước Vàng, Đá Ngang, Khe Đin và Khe Rỗ, sát các đỉnh cao như Đèo Nón, Bảo Đài, Yên Tử, Yên Phụ, Đèo Gió, Đá Lát, Đỉnh Giót và ranh giới với Ba Chẽ của khu bảo tồn.

Đối với hệ sinh thái đất ngập nước, trên địa bàn Bắc Giang có 374 km sông suối, gồm 3 sông chính: sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Chế độ thủy văn các sông ở Bắc Giang chia ra làm 2 mùa rõ rệt: mùa lũ và mùa kiệt. Bên cạnh đó, tại Bắc Giang còn có các hồ đập có tính đa dạng sinh học cao như hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn), hồ Khuôn Thần (Lục Ngạn).

Theo kết quả dự án “Điều tra, phân tích, khảo sát lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học tỉnh Bắc Giang” năm (2014), trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có một số loài cá có tên trong sách Đỏ Việt Nam (2007) như cá Mòi cờ hoa (Clupanodon thrissa) ; cá Lăng (Hemibagrus guttatus); cá Chiên (Bagarius rutilus)…Trước tác động của phát triển kinh tế xã hội và vấn đề ô nhiễm môi trường, các hệ sinh thái đất ngập nước tại tỉnh đang phải chịu những ảnh nhất định. Do đó, bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước đang là vấn đề cấp bách tại địa phương. Tỉnh Bắc Giang cần chú trọng điều tra, xác định khoanh vùng các khu vực là bãi đẻ, bãi ương dưỡng của các loài động thực vật thủy sinh quý hiếm có giá trị kinh tế cao nhằm bảo vệ và phục hồi, đặc biệt chú trọng các khu vực như sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần (Lục Ngạn).

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang củng cố bộ máy quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm tất cả các khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập có Ban quản lý; rà soát, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, tổ chức hoạt động và nâng cao năng lực của các Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; thực hiện chính sách ưu đãi cho cán bộ làm việc trong các khu bảo tồn; nâng cấp cơ sở hạ tầng cần thiết trực tiếp hỗ trợ công tác quản lý; cung cấp thiết bị hiện trường cho các khu bảo tồn thiên nhiên, bao gồm cả hệ thống quan trắc và báo cáo đa dạng sinh học.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khoanh nuôi, tái sinh rừng trong các chương trình trồng rừng, thực hiện các biện pháp làm giàu rừng bằng cây bản địa và đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống cháy rừng, nâng cao năng lực ứng phó với cháy rừng ở các cấp; Ngăn chặn sự suy giảm các loài hoang dã bị đe dọa, đặc biệt loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa và các loài họ hàng hoang dại của các giống cây trồng, vật nuôi, các chủng vi sinh vật quý, hiếm. 

Thu Hồng

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 16/02/2023