Nghề làm muối ở Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có từ lâu đời và hiện nay đã xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, giá cả muối rất bấp bênh, có thời điểm thấp đến 500 đồng/kg, cũng có thời điểm cao đến 4.000 đồng/kg, nên thu nhập người dân không ổn định. Do vậy, cần nâng cao giá trị nghề muối Sa Huỳnh và du lịch cộng đồng là một trong các giải pháp đưa ra.
Vùng muối Sa Huỳnh nằm sát đầm nước mặn có nguồn nước biển dồi dào, độ mặn cao, ít ô nhiễm, chịu khí hậu nhiệt đới gió mùa khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, tổng nhiệt độ trung bình cao, địa hình tương đối bằng phẳng, địa chất ổn định nên thuận lợi cho sản xuất muối.
Hoạt động sản xuất muối tập trung ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), có diện tích tự nhiên là 144,7ha, trong đó diện tích sản xuất khoảng 100ha. Vị trí gần đường Quốc lộ 1A , đường sắt Bắc - Nam và gần ga Sa Huỳnh, thuận lợi phát triển kinh tế.
Nghề muối Sa Huỳnh có từ lâu đời và hiện nay đã xây dựng được thương hiệu, có nguồn lao động dồi dào, diêm dân Sa Huỳnh cần cù, chịu khó. Hệ thống hạ tầng phục vụ đồng muối như đê biển, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước… được đầu tư xây dựng cơ bản.
Nghề muối Sa Huỳnh là nghề truyền thống lâu đời của diêm dân nơi đây. Ảnh: Nguyễn Trang
Tuy nhiên, việc tiêu thụ muối rất bấp bênh, giá cả thường không ổn định, các hợp tác xã sản xuất muối kiểu mới chưa phát huy hiệu quả hoạt động. Do vậy, bên cạnh tiêu thụ muối chờ thương lái thì người dân nơi đây cần có sự ổn định phát triển kinh tế gia đình, đồng thời duy trì và phát triển nghề làm muối truyền thống trước sự mai một của nghề.
Chị Phạm Thị Hồng Thắm, người khởi nghiệp thành công thương hiệu muối SAHU, chia sẻ người dân về phát triển nghề muối
Một trong số những người dân Sa Huỳnh phát triển từ nghề muối phải kể đến chị Phạm Thị Hồng Thắm, người khởi nghiệp với thương hiệu muối SAHU, tạo dựng sản phẩm muối sạch với giá trị cao hơn với các sản phẩm như muối biển, muối tre, muối ớt, hoa muối… Thành lập Công ty TNHH MTV Muối SAHU là tâm huyết của chị Phạm Thị Hồng Thắm.
Giá trị vùng muối Sa Huỳnh không chỉ là nguồn muối biển tự nhiên mà còn cảnh quan, lịch sử, văn hóa, cộng đồng diêm dân, môi trường, hệ sinh thái đa dạng và kế sinh nhai.
Chị Phạm Thị Hồng Thắm cũng đề xuất các dịch vụ như thực hiện hoạt động học tập, trải nghiệm du lịch. Du khách được tìm hiểu sâu sắc về mô hình ruộng muối phơi nước truyền thống, trải nghiệm cách làm muối hột, hoa muối, cùng ngắm bình minh, hoàng hôn trên đồng muối…
Kết hợp với các hoạt động du lịch trải nghiệm khác xung quanh đồng muối như làng Gò Cỏ, đầm An Khê, Văn hóa Sa Huỳnh. Qua đó, phát triển du lịch, nâng cao giá trị hạt muối Sa Huỳnh để đồng muối Sa Huỳnh trở thành địa điểm du lịch được gìn giữ, bảo tồn và nghề muối được kế thừa.
Diêm dân Sa Huỳnh gắn bó nghề muối. Ảnh: Nguyễn Trang
Một diêm dân vùng muối Sa Huỳnh cho biết: “Thỉnh thoảng, có vài đoàn du khách nước ngoài dừng lại thăm đồng muối. Họ nói, ở Pháp có đồng muối và là điểm du lịch nổi tiếng châu Âu. Giờ được tham gia làm du lịch thì bà con rất thích”.
Ông Ngô Nhựt (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) cho biết: “Cao điểm vào vụ làm muối Sa Huỳnh kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8, năng suất cao nhất là vào tháng 5 và tháng 6. Thời tiết nắng ráo sẽ làm nên hạt muối Sa Huỳnh chất lượng. Du khách đến Sa Huỳnh vào khoảng thời gian này được chứng kiến từng công đoạn làm ra hạt muối, sẽ hiểu được nỗi khó nhọc của những diêm dân và quý trọng hơn hạt muối”.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi, qua buổi tham vấn ý kiến về du lịch cộng đồng trên đồng muối truyền thống Sa Huỳnh giữa người làm muối, doanh nghiệp…, Sở VHTTDL đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp. Quá trình nghiên cứu, điều tra, khảo sát về các điều kiện, tiêu chí xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng trên đồng muối truyền thống Sa Huỳnh cho thấy, nơi đây có các điều kiện và tiêu chí để phát triển du lịch cộng đồng như điều kiện tài nguyên du lịch, điều kiện cộng đồng dân cư…
Nguyễn Trang