Phát huy tiềm năng du lịch biển, đảo

Cập nhật: 09/06/2023
Du lịch biển, đảo đã khẳng định được vị thế, vai trò và mang lại nhiều kết quả cho ngành du lịch Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch biển, đảo là 1 trong 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của nước ta cần được ưu tiên phát triển.

Du lịch biển, đảo ở Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển, bởi đây là dòng sản phẩm ngày càng được đông đảo du khách trong nước, quốc tế lựa chọn. Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 3260 km và sở hữu hơn 3000 hòn đảo lớn, nhỏ, có khoảng 125 bãi biển, nhiều bờ cát trắng và vịnh biển hoang sơ. Nhiều địa điểm của Việt Nam được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh.

Trong danh sách 156 quốc gia có biển, Việt Nam được xếp hạng đứng thứ 27 và là quốc gia có diện tích ven biển lớn trong khu vực Đông Nam Á. Cùng đó, với Vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang, Việt Nam được đánh giá là một trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới. Ngoài ra, hệ thống biển, đảo còn là không gian văn hóa đặc sắc đã được cộng đồng người Việt phát triển qua nhiều thế hệ, với những di tích lịch sử - văn hóa, những phong tục tập quán, lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực… đậm sắc màu miền biển... đây chính là những lợi thế lớn, tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Vì thế, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định ngành Du lịch và dịch vụ biển là ngành kinh tế biển được ưu tiên hàng đầu để phát triển.

Cũng tại dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045, 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam trong giai đoạn này là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị. Trong đó, du lịch biển đảo tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển của du lịch Việt Nam. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển một số trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế như Hạ Long, Lăng Cô, Vĩnh Hy, Nha Trang, Cam Ranh… và các đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý…

Bên cạnh đó, ưu tiên huy động nguồn lực xây dựng vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, vịnh Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh, đảo Phú Quốc và một số bãi biển đẹp ở Quy Nhơn, Đà Nẵng, Bình Thuận… trở thành những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đẳng cấp hàng đầu thế giới, nhằm tạo dựng thương hiệu và vị thế cạnh tranh quốc tế của du lịch Việt Nam. 

Những lợi thế về điều kiện tự nhiên đang được các địa phương khai thác, tạo sức bật trong phát triển du lịch biển, đảo.

Thời gian qua, với thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, du lịch biển, đảo Việt Nam đã có những bước tiến dài, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2010 - 2019 (trước đại dịch Covid-19), lượng khách đến các địa phương ven biển luôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước, đạt mức tăng 13,6%/năm với khách quốc tế và 12,3%/năm với khách nội địa. Trong năm 2019, lượng khách quốc tế đến các tỉnh ven biển chiếm 71,9% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam; lượng khách nội địa đến các tỉnh ven biển chiếm 59% tổng lượng khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 67% tổng thu từ khách du lịch cả nước. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển du lịch biển, đảo ở nước ta vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm như: Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch biển còn thấp; tính mùa vụ còn rất cao, nhất là ở miền Bắc. Các sản phẩm du lịch cao cấp chưa có nhiều. Các nhà đầu tư còn chú trọng thu lợi nhuận ngắn hạn, chưa đầu tư dài hạn do sức ép về tài chính và muốn thu hồi vốn đầu tư nhanh. Sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch biển đảo còn mang tính tự phát...

Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 20% bãi biển dọc đất nước, tập trung chủ yếu ở những điểm đến đã phát triển du lịch từ lâu như vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc. Điều này khiến dịp cao điểm, những vùng biển này bị quá tải, kéo theo nhiều hệ luỵ về văn hóa kinh doanh, suy thoái môi trường, xung đột về sử dụng tài nguyên biển, lạm phát giá… 

Ngoài ra, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển mới chiếm khoảng 2% tổng lượng khách, còn rất nhiều dư địa để khai thác. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có những tàu du lịch lớn quy mô vài nghìn chỗ để phục vụ du khách Việt đi du lịch bằng đường biển ở cả trong nước và ra nước ngoài. Chưa có tour đưa khách nước ngoài du lịch Việt Nam bằng đường thủy… 

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần đưa du lịch biển, đảo là 1 trong 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của nước ta cần được ưu tiên phát triển.  

Với định hướng trong thời gian tới, du lịch biển, đảo Việt Nam sẽ chú trọng việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển du lịch biển gắn với công tác bảo vệ môi trường, phát huy truyền thống văn hóa, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngành du lịch các địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần mạnh dạn đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm phát triển du lịch đảo xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có của Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch biển đảo trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của ngành du lịch Việt Nam theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Để phát triển du lịch biển đảo bền vững, nhiều ý kiến cho rằng các bộ ngành và địa phương cần kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ giải pháp của các Nghị quyết đảm bảo khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ. Tăng cường năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học; chú trọng công tác giáo dục, y tế biển... Cùng với đó, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngành du lịch cũng cần phối hợp với các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí như: lướt ván, thuyền buồm, câu lạc bộ diều, cờ quốc tế, hướng tới phát triển các sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Đối với các đảo lớn, nhỏ cần đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm gắn với khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ khách quốc tế.

Đối với các địa phương, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia, đảm bảo nguyên tắc về chủ quyền vùng biển, đảo quốc gia và phát triển bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch; phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường khác nhau. Đặc biệt, cần chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và dành ngân sách thỏa đáng cho bảo vệ môi trường, bảo tồn tôn tạo tài nguyên, quan tâm đúng mức tới vấn đề đánh giá sức chứa và quản lý sức chứa du lịch.

Thu Hằng

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 03/06/2023