Hệ sinh thái rừng ngập mặn không chỉ là nguồn cung cấp khí oxy tự nhiên mà còn giúp điều hòa không khí. Để bảo tồn rừng ngập mặn tại Indonesia, nhiều khách du lịch và người dân ở đây đã cùng chung tay gieo những hạt mầm xanh hy vọng.
Giữa những âm thanh ồn ào của đô thị, bà Connie Sihombing – một cư dân sống tại thành phố Jakarta hàng ngày vẫn chèo thuyền và gieo những mầm cây tại Khu bảo tồn thiên nhiên Angke Kapuk, một khu rừng ngập mặn yên tĩnh dọc theo bờ biển phía Bắc Jakarta.
“Tôi yêu thiên nhiên. Tôi đã đi xa, nhưng tôi không biết rằng gần nhà lại có công viên xinh đẹp và hấp dẫn như vậy. Tôi thích điều đó ở thành phố mà chúng ta cho là lộn xộn này, chúng ta vẫn có thể bảo tồn những giá trị thiên nhiên như vậy", bà Connie Sihombing nói.
Khách du lịch trồng cây tại khu bảo tồn thiên nhiên Angke Kapuk, Jakarta, Indonesia. Nguồn: Reuters
Tại Jakarta, nơi thường xảy ra lũ lụt nghiêm trọng và việc khai thác ồ ạt nước ngầm đang khiến cho khu vực này nhanh chóng chìm xuống hơn 15 cm mỗi năm. Bởi vậy, rừng ngập mặn là biện pháp chính chống lại thủy triều dâng nhanh. Các nhóm khách du lịch đã có ý tưởng trồng mầm cây ngập mặn với hy vọng gieo những mầm xanh để bảo tồn các khu rừng ngập mặn.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn khai thác và phát triển các dịch vụ du lịch xanh tại các khu rừng ngập mặn ở Indonesia, nhằm thu hút khách du lịch tham gia chiến dịch trồng mầm cây ngập mặn. Huấn luyện viên chèo thuyền kayak và chủ sở hữu của một trung tâm về chèo thuyền trong rừng ngập mặn, Muhammad Saleh Alatas, cho biết hiện vẫn còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động trong những khu vực rừng ngập mặn của Jakarta..
Muhammad Saleh Alatas hy vọng các tour chèo thuyền của ông có thể truyền cảm hứng cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch khác làm điều đó một cách bền vững: "Rất nhiều người dân và doanh nghiệp đã san bằng những khu rừng ngập mặn này chỉ để xây dựng một điểm du lịch, bằng cách đổ cát và bê tông để làm bãi biển nhân tạo. Điều đó đi ngược lại với việc bảo tồn thiên nhiên. Tại khu rừng ngập mặn này, thay vào đó chúng ta có thể xây dựng một khu sinh thái. Chúng ta có thể làm rừng ngập mặn thành địa điểm du lịch đẹp và thú vị".
Nguồn: Reuters
Khi du lịch sinh thái ở khu bảo tồn đang dần được chú ý, khu bảo tồn rộng 98 ha chỉ là một phần nhỏ trong diện tích rừng ngập mặn 4,1 triệu ha của Indonesia trải dài trên các bờ biển quốc gia - một con số mà chính phủ nước này vẫn đang phải vật lộn để duy trì vì 700.000 ha đã bị phá hủy hồi năm ngoái, theo Cơ quan Phục hồi Rừng ngập mặn và Đất than bùn Indonesia (BRGM).
Năm ngoái, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia đã khởi động một chương trình khôi phục 600.000 ha rừng ngập mặn. Đây là công việc đòi hỏi sự nỗ lực lớn và sẽ chỉ thấy kết quả sau 5 - 10 năm, khi rừng ngập mặn phát triển đủ mạnh để ngăn thủy triều dâng.
Muhammad Ilman, Giám đốc Cơ quan Bảo tồn Thiên nhiên Nusantara của Indonesia cho biết, mặc dù viện trợ của chính phủ cho việc bảo tồn rừng ngập mặn đã tăng lên trong 5 năm qua nhưng vẫn là chưa đủ: “Tiềm năng du lịch của rừng ngập mặn rất hứa hẹn và đáng được chính phủ quan tâm, nhưng chỉ hỗ trợ của chính phủ thôi là chưa đủ. Chúng tôi có diện tích rừng ngập mặn lớn, tiềm năng du lịch lớn nên vẫn cần vai trò của khu vực tư nhân và tổ chức phi chính phủ. Nhờ đó chúng tôi có thể kết hợp với nguồn lực từ chính phủ để tiềm năng này có thể được khai thác triệt để"./.
CTV Mỹ Linh/VOV1 (biên dịch - Theo Reuters)