Lâm Đồng: Khai thác tài nguyên du lịch từ văn hóa truyền thống

Cập nhật: 15/06/2023
Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng là địa phương có hơn 30 dân tộc anh em sinh sống, còn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc gốc Tây Nguyên, như: K’Ho, Mạ, M’Nông, Churu...; hay các dân tộc thiểu số phía Bắc, như: Thái, Tày, Nùng, Dao, H’Mông... và cùng với dân tộc Kinh tạo nên sự hòa quyện đa dạng, phong phú của đời sống văn hóa, là nguồn tài nguyên quý giá để khai thác và phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.

Lễ cưới người K’Ho Sre được phục dựng thu hút đông đảo Nhân dân tham gia

Khi đến Lâm Hà, du khách sẽ có cơ hội khám phá và trải nghiệm các nét đặc trưng văn hóa vùng, miền của nhiều dân tộc. Đặc sắc nhất là tín ngưỡng dân gian của người Mạ, người K’Ho trong lễ mừng lúa mới, lễ mang lúa về kho; với ý nghĩa của các con vật hiến sinh là gà, heo, bò, trâu; hoà vào không khí hội bên đống lửa, uống rượu cần, múa hát với cồng chiêng; tìm hiểu những tài sản quý (chiêng, chóe), hay vật dụng truyền thống (quả bầu khô đựng nước; các công cụ làm nương rẫy, như: rìu, xà gạc, dao, gùi, cối...), công cụ săn bắt (ná, lao, lưới, cung, tên...).

Mới đây, huyện Lâm Hà đã tổ chức phục dựng Lễ cưới của người K’Ho Sre để Nhân dân và du khách hiểu được phần nào về văn hóa dân tộc K’Ho Sre của huyện Lâm Hà thu hút đông đảo Nhân dân và du khách. Những nét nổi bật, đặc trưng trong Lễ cưới của người K’Ho Sre được phục dựng do những nghệ nhân và đồng bào dân tộc K’Ho ở tổ dân phố Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn thực hiện ngay trong khuôn viên ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc K’Ho. Đó là nhà của bà Ka Phen, được phục dựng năm 2017, cũng là nơi sinh hoạt, hội họp của dòng họ người K’Ho Sre của tổ dân phố Bồ Liêng. Trong ngôi nhà còn cất giữ rất nhiều vật dụng truyền thống của người K’Ho, như: cồng chiêng, gùi, chóe, cườm, dụng cụ lao động sản xuất...

Du khách nước ngoài rất thích tìm hiểu quy trình sản xuất tơ lụa và sự khác biệt trong sản phẩm tơ lụa truyền thống

Nhiều nghề thủ công truyền thống của các dân tộc và vùng, miền đang được lưu giữ, như: các nghề ươm tơ, dệt lụa, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, cói...; làm bánh cuốn, giò chả, bánh chưng, bún... góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. Đồng thời, rất nhiều món ăn mang hương vị truyền thống, là món ăn đặc sản, hoặc những món quà độc đáo và dinh dưỡng... tăng sức hấp dẫn khi đưa vào phục vụ ẩm thực du lịch, như: bánh chưng - bánh dày, cà đắng da trâu, thịt nướng, cơm lam, chuối Laba, cà phê chồn, hạt macca, trà Ô long...

Với mục tiêu phát triển du lịch Lâm Hà theo hướng bền vững, đi đôi với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các vùng, miền, các dân tộc, kết hợp với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và môi trường...; Lâm Hà đang huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Song song đó, Lâm Hà chủ trương khai thác tiềm năng sẵn có của vùng đất đặc sắc về các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể để phát triển du lịch cộng đồng, tăng năng lực sinh kế cho Nhân dân các dân tộc địa phương... bằng cách khuyến khích giữ gìn, bảo tồn và trao truyền bản sắc đặc trưng của các lễ hội, làng nghề truyền thống...

Nghệ nhân dân gian dệt thổ cẩm ở thôn Đam Pao hướng dẫn du khách thực hành các công đoạn dệt

Thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn) nằm dọc bên trục Quốc lộ 27, ngay sát thị trấn Đinh Văn, là thôn có đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên (chiếm 49,2%), thu nhập chủ yếu từ canh tác cà phê, trồng lúa nước và một số mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi... Đặc biệt, thôn Đam Pao có nghề dệt thổ cẩm truyền thống hơn 50 năm, hiện nay có 125/3.091 hộ còn giữ nghề dệt thổ cẩm, là nơi duy nhất của tỉnh Lâm Đồng còn có người trồng cây bông, se sợi và dệt hoàn toàn thủ công. Thôn Đam Pao có địa hình bằng phẳng, hệ thống giao thông bê tông hoàn chỉnh, gọn gàng, sạch sẽ. Bà con Nhân dân trong thôn còn giữ được nhiều nếp nhà gỗ kiến trúc của đồng bào dân tộc K’Ho Cill, với khoảnh sân rộng rãi phía trước, là nơi sinh hoạt của gia đình, phơi lúa hay cà phê khi vào vụ thu hoạch... Cùng với các kiến trúc tôn giáo, nghề dệt thổ cẩm đang là sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách, nhất là du khách ngoại quốc...

Làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở Lâm Hà cũng rất thu hút khách du lịch quốc tế đến tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong đó, mô hình sản xuất tơ - lụa truyền thống của Doanh nghiệp tư nhân Cường Hoàn Silk, với quy trình sản xuất khép kín (ươm tơ, dệt lụa, tẩy nhuộm màu, may trang phục lụa, thêu tranh lụa...) thu hút du khách tìm hiểu các quy trình sản xuất ra sản phẩm lụa thủ công; các kỹ năng trong quá trình xử lý, nhuộm hay may thêu... Cường Hoàn Silk là điểm đến không thể thiếu trong tuyến du lịch Lâm Hà nối liền từ Đà Lạt ở khu vực Nam Ban (Thác Voi, chùa Linh Ẩn, tơ lụa Cường Hoàn, cà phê Tám Trình...).

Việc khai thác và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và trao truyền những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam và là sự khác biệt hấp dẫn so với các điểm đến du lịch mới mang phong cách hiện đại, mang tính giải trí cao. Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào khai thác tiềm năng văn hóa truyền thống làng nghề, lễ hội..., vừa giúp phát triển du lịch vừa giữ gìn những tinh hoa văn hóa của dân tộc, đang là động lực trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, cũng như góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân.

Nhật Quân

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 15/06/2023