Tại tỉnh Kon Tum với nhiều hình thức và giải pháp, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng đang được thực hiện một cách tích cực ngay trong cuộc sống thường ngày của người dân
Để bảo tồn, phát huy được giá trị di sản văn hóa cồng chiêng ngay trong cuộc sống thường ngày của người dân, tỉnh Kon Tum đồng thời thực hiện nhiều hình thức và giải pháp, như: tổ chức truyền dạy về kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, xoang; thực hiện dạy học di sản văn hóa trong trường phổ thông; trang bị cồng chiêng, trống cho các làng dân tộc thiểu số; tổ chức hội thi, liên hoan cồng chiêng để tôn vinh, khích lệ các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa cồng chiêng cho các thế hệ tiếp nối…
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết: “Từ yêu thích, đam mê, chính các nghệ nhân trao truyền lại các di sản văn hóa trong đó có cồng chiêng cho các thế hệ trẻ thì sẽ tạo được cho họ có sự đam mê, yêu thích hơn văn hóa dân tộc của mình. Từ đó thế hệ trẻ tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng”.
Nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng trong một sự kiện văn hóa ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Nhà rông của người Xơ Đăng ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh Kon Tum đã trang bị 137 bộ cồng chiêng, trống cho 137 thôn, làng dân tộc thiểu số tại chỗ không có cồng chiêng; tổ chức 143 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang trong các thôn, làng dân tộc thiểu số tại chỗ. Đến nay toàn tỉnh Kon Tum đã có 409 trên tổng số 503 thôn, làng dân tộc thiểu số tại chỗ; bảo tồn, khôi phục được nhà rông truyền thống - một không gian quan trọng đối với hoạt động văn hóa cồng chiêng của cộng đồng./.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên